Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến "Sọ Dừa" thành "sọ người", nhà sách xuất bản bị phạt 45 triệu đồng

Hoàng Lân| 04/04/2015 09:46

(HNMO) – Với việc mạo danh NXB Hồng Đức xuất bản cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam: Sọ Dừa”, nhưng lại biến chi biết “sọ dừa” thành “sọ người” vừa bị Cục Xuất bản xử phạt 45 triệu đồng, đồng thời đề nghị thu hồi và tiêu hủy cuốn sách nói trên.

Cuốn sách "Sọ Dừa" bị nhà sách cho in và vẽ hình minh họa dị bản là "sọ người" khiến nhiều người đọc hốt hoảng.


Cục Xuất bản cho biết, sau khi có dư luận phản ánh về cuốn “Sọ Dừa” đề tên của NXB Hồng Đức có chi tiết “sọ dừa” bị biến thành “sọ người”, Cục đã tiến hành kiểm tra và khẳng định, đây là sản phẩm của một Nhà sách Thị Nghè đã mạo danh NXB Hồng Đức cho in cuốn sách này.

Với lỗi sai phạm nghiêm trọng này, Cục ra quyết định xử phạt Nhà sách Thị Nghè 45 triệu đồng vì hành vi mạo danh NXB Hồng Đức; tàng trữ, phát hành sách “Truyện cổ tích Việt Nam: Sọ Dừa” không có nguồn gốc hợp pháp.

Theo đó, Quyết định xử phạt trong hoạt động xuất bản số 16/QĐ- XBVPHC ghi rõ, xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng đối với Nhà sách Thị Nghè (doanh nghiệp tư nhân Thương mại - Dịch vụ Nguyễn Hải Uyên) vì “Xuất bản cuốn Truyện cổ tích Việt Nam: Sọ Dừa ghi tên Nhà xuất bản Hồng Đức nhưng không có quyết định xuất bản của Giám đốc Nhà xuất bản Hồng Đức”.

Cục cũng xử phạt 32,5 triệu đồng đối với hành vi “Tàng trữ, phát hành sách Truyện cổ tích Việt Nam: Sọ Dừa không có nguồn gốc hợp pháp”.


Văn bản xử phạt đối với nhá sách Thị Nghè


Được biết, chiều ngày 3-4, Cục Xuất bản đã gửi văn bản đến Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố và Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị kiểm tra, thu hồi, không lưu trữ, phục vụ bạn đọc cuốn sách trên.

Vụ việc Nhà sách Thị Nghè xuất bản cuốn “Truyện cô tích Việt Nam: Sọ Dừa” với dị bản biến chi tiết “sọ dừa” thành “sọ người” một lần nữa khiến cho dư luận bức xúc trước việc gần đây hàng loạt NXB khi cho in truyện cổ tích đã sử dụng những dị bản không phù hợp với tâm sinh lý của trẻ nhỏ. Những dị bản này không những không giống với bản gốc được nhiều người biết đến mà nó còn phản giáo dục khi mang yếu tố bạo lực và rùng rợn.

Qua đây, nhiều phụ huynh cũng đặt câu hỏi, các NXB khi biên tập và in thành sách xuất bản, cần nghiên cứu thận trọng nên sử dụng dị bản nào thì phù hợp. Bởi thực tế, truyện cổ tích là sản phẩm truyền miệng, có thể sẽ có nhiều dị bản khác nhau do cách kể của từng giai đoạn khác nhau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biến "Sọ Dừa" thành "sọ người", nhà sách xuất bản bị phạt 45 triệu đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.