Vùng đồng bằng sông Hồng

Ga Hải Phòng lưu dấu chân Người

Thanh Tú 18/05/2025 19:51

Nếu như thành phố Hồ Chí Minh có Bến cảng Nhà Rồng, nơi ghi dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911, thì ở thành phố Cảng có Ga Hải Phòng gắn với sự kiện Người đi chuyến xe lửa đặc biệt từ Hà Nội về Hải Phòng và ngược lại vào năm 1946.

anh-chup-man-hinh-2025-05-17-luc-15.19.55.png
Tháng 10-1946, Bác Hồ về nước bằng tàu biển cập Cảng Hải Phòng (Ảnh tư liệu).

Hải Phòng 9 lần đón Bác

Sinh thời, Bác Hồ nhiều lần về thăm hỏi, động viên và làm việc với quân và dân Hải Phòng. Người luôn đánh giá cao vị trí chiến lược quan trọng của thành phố Cảng trong tiến trình phát triển đất nước và phong trào cách mạng Việt Nam.

Bộ sách 4 tập về lịch sử Hải Phòng do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021 đã ghi rõ 9 dấu mốc thể hiện sự quan tâm của Người tới thành phố Cảng. Cụ thể, ngày 20-10-1946, sau 4 tháng 20 ngày thăm Cộng hòa Pháp, Bác Hồ trở về nước. Nơi đặt chân đầu tiên sau chuyến công du dài ngày trong bối cảnh đất nước vừa giành độc lập, đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, chính là Bến Ngự, điểm đầu tiên của đường Hoàng Văn Thụ - Hải Phòng ngày nay.

Tiếp đó, ngày 2-6-1955, sau khi Hải Phòng được giải phóng, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố. Bác đã đến thăm một số đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ bờ biển tại Hải Phòng. Hai năm sau, vào ngày 30-5, Bác về thăm một số cơ sở kinh tế quan trọng của thành phố như Cảng Hải Phòng, Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Quân y viện 12, Trường Nhi đồng miền Nam.

Năm 1959, Bác Hồ về thăm đảo Cát Bà, Cát Hải và nhiều đảo khác trong vùng biển Đông Bắc. Từ năm 1960 đến 1963, Người đã có thêm 5 lần về thăm, nói chuyện với đồng bào, nhân dân tại một số địa phương, nhà máy, bệnh viện và trường học tại Hải Phòng.

Các tài liệu lịch sử cũng ghi rõ, trong mỗi lần về thăm, làm việc, Bác đều dành thời gian để tiếp xúc, tìm hiểu, trò chuyện với nhiều tầng lớp nhân dân cũng như chỉ đạo công tác của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể của thành phố.

anh-chup-man-hinh-2025-05-17-luc-15.17.45.png
Ga Hải Phòng trong lịch sử: Ảnh: Tư liệu

Một trong những nơi lưu dấu chân Người trên thành phố Cảng sâu đậm nhất là Ga Hải Phòng, là một trong 4 ga chính của tuyến đường sắt dài 99 km nối Hải Phòng với Hà Nội. Từ sự kiện ga Hải Phòng được đón và đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xe lửa về Thủ đô Hà Nội vào năm 1946, ngày 20-10 đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Đường sắt Việt Nam và là dấu ấn tự hào của cán bộ công nhân viên trong ngành.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng triệu tấn vũ khí, nhu yếu phẩm của các nước xã hội chủ nghĩa cập cảng Hải Phòng để rồi tới Ga Hải Phòng, theo những đoàn tàu chở hàng hóa đi phục vụ công cuộc kháng chiến. Năm 1996, Ga Hải Phòng được UBND thành phố Hải Phòng công nhận là “Di tích lịch sử kháng chiến”.

Ký ức xưa, khát vọng vươn mình hôm nay

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, Ga Hải Phòng là một trong số ít các nhà ga có lịch sử lâu đời, in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp còn lại ở Việt Nam. Nhà ga này, cùng với những ga Huế, ga Nha Trang, ga Ðà Lạt và ở Hà Nội có đường sắt qua cầu Long Biên… đều là những công trình kiến trúc đô thị đặc biệt cần được bảo tồn.

a370.ga-hai-phong.jpg
Ga Hải Phòng ngày nay. Ảnh: Minh Nguyễn

Tháng 5-2025, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng và 135 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ muôn vàn kính yêu, Hải Phòng đón nhận danh hiệu “Thành phố anh hùng”. UBND thành phố công bố Ga Hải Phòng trở thành điểm du lịch và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên “Hoa phượng đỏ”. Thời điểm này, nhu cầu check-in tại đây trước khi bắt đầu hành trình trải nghiệm food-tour thành phố Cảng được đông đảo bạn trẻ hưởng ứng.

“Thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc sâu và ghi nhớ công lao của Bác Hồ với dân tộc Việt Nam. Chúng em càng tự hào trên mỗi chặng đường Bác đi qua, hôm nay đã được xây dựng hiện đại, đẹp đẽ. Nhân chuyến du lịch về Hải Phòng bằng tàu hỏa, chúng em còn tìm hiểu được thêm nơi đây từng được Bác ghé thăm 9 lần”, Nguyễn Huyền My, sinh viên K68 Khoa Quan hệ công chúng, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn bày tỏ.

Không chỉ người trẻ mà nhiều người lớn tuổi cũng lựa chọn di chuyển bằng đường sắt xuống Hải Phòng, giúp du lịch của Hải Phòng phát triển. Sau hơn 120 năm hoạt động, Ga Hải Phòng vẫn miệt mài đón những chuyến tàu vận chuyển hành khách, hàng hóa từ Cảng Hải Phòng đi khắp muôn nơi.

Vợ chồng anh Lê Quốc Hưng và chị Dương Thị Minh (quận Long Biên, Hà Nội) đã lựa chọn trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” những ngày tháng 5 này bằng chuyến tàu du lịch “Hoa phượng đỏ” thay vì sử dụng ô tô cá nhân như thường lệ.

Những ký ức lịch sử tự hào về thành phố từ sân ga nhỏ luôn được anh chị kể lại sinh động cho các con nghe. Xuống sân ga trên phố Lương Khách Thiện, cả gia đình ngược về nhà bố mẹ ở Cầu Đất, trên đường đi ghé ăn bánh đa cua và những món ngon đường phố đậm đà hương vị tuổi thơ.

72d793d89cc6299870d7.jpg
Sức sống mới từ nhà ga cổ kính, mang nhiều dấu ấn lịch sử. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh nhật Bác, sự kiện Ga Hải Phòng được công nhận là điểm du lịch là sự ghi nhận xứng đáng cho một di sản lưu giữ dấu ấn về lịch sử và văn hóa của thành phố.

Năm 2025 cũng đánh dấu bước ngoặt khi tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sắp được khởi công. Tuyến có chiều dài khoảng 390 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km có điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng. Khi tuyến đường sắt này hoàn thành, cùng với tuyến đường sắt đô thị được triển khai hoạt động vận tải hàng hóa, sứ mệnh của một nhà ga mang nhiều dấu ấn lịch sử sẽ được viết tiếp chương mới với những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của thành phố và cả nước.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ga Hải Phòng lưu dấu chân Người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.