(HNM) - Thủ tướng tạm quyền Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, Hạ viện nước này sẽ tiến hành họp bất thường vào ngày 2-3 tới để xác định xem ai sẽ là Thủ tướng tiếp theo của đất nước. Tuyên bố trên diễn ra trong bối cảnh ông M.Mohamad đã đưa đơn từ chức khiến chính trường Malaysia đứng trước nhiều bất ổn.
Chưa đầy hai năm sau khi bất ngờ đắc cử, Thủ tướng M.Mohamad, 94 tuổi, đã gửi đơn xin từ chức lên Quốc vương Malaysia Abdullah Ri'ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah hôm 24-2, đồng thời ông cũng xin từ chức Chủ tịch đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia (Bersatu). Cùng với đó, đảng Bersatu cũng tuyên bố rút khỏi Liên minh Hy vọng cầm quyền (PH) để ủng hộ Thủ tướng. Người đứng đầu hoàng gia đã chấp thuận nguyện vọng này, nhưng đề nghị ông M.Mohamad đảm đương cương vị Thủ tướng lâm thời.
Liên minh Hy vọng cầm quyền do 4 đảng hợp thành, gồm đảng Bersatu của ông M.Mohamad, đảng Công lý Nhân dân (PKR) do ông Anwar Ibrahim làm Chủ tịch, đảng Hành động Dân chủ (DAP, do người Malaysia gốc Hoa lãnh đạo) và đảng Amanah. Trong quá khứ, ông A.Ibrahim và ông M.Mohamad đã có hàng thập kỷ đối đầu. Nhưng vào thời điểm bầu cử hồi tháng 5-2018, hai ông đã nhất trí “gác lại quá khứ” để hợp sức đánh bại liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) của Thủ tướng Najib Razak vốn đã cầm quyền suốt 60 năm kể từ khi Malaysia giành độc lập năm 1957.
Theo thỏa thuận trước bầu cử, ông M.Mohamad sẽ làm thủ tướng trong 2 năm (tức là đến tháng 5-2020), sau đó bàn giao lại chức vụ cho ông A.Ibrahim. Thực tế, lời hứa chuyển giao quyền lực trên đã 2 lần bị ông Mahathir Mohamad trì hoãn. Ngày 23-2, ông A.Ibrahim, hiện là Phó Thủ tướng Malaysia, đã cáo buộc Thủ tướng Malaysia không tuân thủ lời hứa chuyển giao quyền lực. Trong khi đó, nhà lãnh đạo 94 tuổi của Malaysia nhiều lần tuyên bố việc chuyển giao chức vụ thủ tướng chỉ được tiến hành sau khi Malaysia hoàn tất việc chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới.
Theo các nhà phân tích, việc đảng Bersatu quyết định rời khỏi chính phủ, tìm kiếm một liên minh cầm quyền mới, được cho là động thái nhằm ngăn cản ông A.Ibrahim kế nhiệm vị trí Thủ tướng theo lời hứa cách đây 2 năm, đồng thời ủng hộ ông M.Mohamad tiếp tục nắm quyền Thủ tướng thêm nhiệm kỳ 5 năm. Bên cạnh đó, diễn biến trên chính trường Malaysia gần đây cũng bộc lộ rõ những rạn nứt trong quan hệ giữa các chính đảng. Trong 32 triệu người dân Malaysia có 69% là người Malaysia, 24% là người gốc Hoa và 7% là người Ấn Độ.
Tương tự, đảng Bersatu, do ông M.Mohamad lãnh đạo chủ trương bảo vệ, thúc đẩy địa vị người Malaysia về kinh tế; đảng DAP đại diện cho lợi ích của người Hoa; đảng PKR lại theo đuổi chính sách đa văn hóa còn đảng Amanah muốn bảo vệ quyền lợi cho người Hồi giáo. Điều này khiến việc đàm phán, thành lập liên minh cầm quyền mới là không dễ dàng. Bởi theo quy định, nếu muốn thành lập chính phủ, một liên minh phải có tối thiểu 112 ghế trong tổng số 222 ghế tại quốc hội.
Trong bối cảnh đó, Quốc vương Abdullah Sultan Ahmad Shah đã tổ chức tham vấn riêng rẽ tất cả 221 thành viên Hạ viện nước này, trừ Thủ tướng tạm quyền M.Mohamad, nhằm xác định nghị sĩ nào nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên Hạ viện để có thể trở thành tân Thủ tướng. Tuy nhiên, sau 2 ngày Quốc vương tham vấn, không có bất cứ một ứng cử viên nào được đề cử chức Thủ tướng. Trước những diễn biến trên chính trường Malaysia, Hạ viện nước này sẽ tổ chức phiên họp sớm trước một tuần dự kiến diễn ra ngày 2-3 tới. Tại phiên họp, nếu Hạ viện không thể xác định được ai sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Malaysia, một cuộc bầu cử sớm sẽ được tiến hành.
Người dân Malaysia đang mong muốn có sự đổi mới để giúp Malaysia vượt qua những khó khăn về kinh tế và xa hơn là phát triển toàn diện. Bởi vậy, chừng nào những rạn nứt chưa được giải quyết, chừng đó những mâu thuẫn vẫn sẽ phủ bóng lên sự ổn định chính trị - kinh tế ở quốc gia Đông Nam Á này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.