(HNMO) - Đây là yêu cầu của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tại hội nghị giao ban công tác Nội chính và phòng, chống tham nhũng 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2018 diễn ra sáng nay, 3-4.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị. |
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội", Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội", các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và thành phố và công tác phòng chống cháy, nổ đều ghi rõ người đứng đầu cấp ủy, địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cháy, nổ, an toàn tính mạng của người dân trên địa bàn.
Vì vậy, Bí thư các quận, huyện, thị ủy phải nhận thức sâu sắc về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của mình, chủ động phân công cán bộ phụ trách, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát về phòng cháy và chữa cháy.
"Nếu các đồng chí còn coi công tác phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ riêng của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thì không bao giờ hạn chế được cháy nổ. Bí thư phải phân công Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy kiểm tra, huy động công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tham gia. Các đồng chí phải rất chủ động, phải thấy bức xúc thì phòng cháy, chữa cháy mới tốt lên được" - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, đồng thời chỉ đạo, đã kiểm tra là phải gắn với xử lý nghiêm vi phạm, nếu "đi kiểm tra mà lập biên bản cho vui" thì cháy, nổ còn xảy ra.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố cho biết, trong quý I-2018, Hà Nội có hơn 200 vụ cháy làm 2 người chết, bị thương 18 người, thiệt hại tài sản 31 tỷ đồng. So với cùng kỳ, toàn thành phố đã giảm 83 vụ cháy, nhưng bằng về số người chết, giảm 2 người bị thương. Về địa bàn, tỷ lệ cháy xảy ra ở nội thành chiếm khoảng 60%.
Diễn tập chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng tại quận Nam Từ Liêm. |
Có thể nói, tình hình cháy trên địa bàn Hà Nội 3 tháng đầu năm nay được kiềm chế, diễn biến ít phức tạp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình cháy tại các cơ sở trọng điểm thuộc phạm vi quản lý của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố như kho xưởng, chung cư, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị có giảm; nhưng cháy ở các khu dân cư, nhất là các hộ dân kết hợp ở và kinh doanh diễn biến phức tạp hơn.
Về 79 chung cư cao tầng vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, đến nay đã có 48 công trình được khắc phục xong. Hiện nay, còn 31 công trình vi phạm chưa được khắc phục, trong đó có 16 công trình có khả năng khắc phục, 15 công trình không có khả năng khắc phục.Trong số 16 công trình có khả năng khắc phục, 13 công trình được khắc phục được khoảng 60%; 3 công trình có biểu hiện chủ đầu tư chây ì đều thuộc khu Văn Khê (quận Hà Đông): CT4, CT5 AB và CT6. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố đã thu thập hồ sơ liên quan đến 3 công trình này và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố (số liệu được cập nhật đến trước ngày 2-4 - PV)
Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, mỗi năm trên địa bàn Hà Nội có khoảng 30 vụ cháy nổ liên quan đến nhà cao tầng. Năm nay cũng xảy ra số vụ tương đương và được khắc phục, không gây thiệt hại lớn. Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy khẳng định, đối với công trình mới và đang thi công, nếu chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết không đưa vào sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.