(HNM) - Rạng sáng 3-10 (theo giờ Việt Nam), lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Đức và Pháp (Bộ tứ Normandy) đã kết thúc cuộc đàm phán kéo dài 5 giờ tại điện Elyseé ở thủ đô Paris (Pháp). Không có thêm bất cứ văn kiện nào liên quan tới cuộc khủng hoảng bên bờ Biển Đen được ký kết; song, có thể thấy được
Cuộc gặp thượng đỉnh của Bộ tứ Normandy tại Paris gồm hai phần họp diện hẹp và họp mở rộng. Tham dự cuộc họp diện hẹp chỉ có Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Sau đó, trong cuộc họp mở rộng còn có sự tham dự của ngoại trưởng các nước cùng các quan chức cấp cao trong đoàn.
Cuộc gặp của Bộ tứ Normandy đã đạt được một số thỏa thuận về tình hình Ukraine. |
Theo nội dung cuộc họp báo do Tổng thống nước chủ nhà F.Hollande và Thủ tướng Đức A.Merkel chủ trì, những vấn đề cụ thể đã được thảo luận và quan điểm của các bên đã xích lại gần nhau hơn. Cụ thể, lãnh đạo 4 nước đã thảo luận việc rút vũ khí nhẹ (cỡ nòng dưới 100mm) cách xa đường phân tuyến tại khu vực chiến sự và nhất trí bắt đầu triển khai trên thực tế ngay từ ngày 3-10. Nguyên thủ Bộ tứ cũng đã thống nhất quan điểm về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Ukraine và từng bước tái thiết lập chế độ kiểm soát biên giới quốc gia. Các bên cũng nhất trí sẽ tăng số lượng trạm kiểm soát, tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế đến tất cả những nơi cần đến tại Ukraine, đẩy nhanh việc trao trả tù binh, tháo gỡ bom mìn và tiếp tục kiểm soát tình hình bằng thiết bị bay không người lái. Việc tổ chức bầu cử tại những vùng đòi ly khai chỉ có thể diễn ra theo luật pháp Ukraine, dưới sự theo dõi của các quan sát viên quốc tế, diễn ra trong vòng 80 ngày kể từ khi luật về bầu cử được thông qua. Theo đó, sẽ cần ít nhất 3 tháng để tiến hành công tác chuẩn bị nên các cuộc bầu cử này có thể diễn ra sau ngày 31-12 tới.
Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo được đặt ra là các bước đi cụ thể sẽ được thực hiện như thế nào trong khi thời gian qua không có bất kỳ điều khoản nào của Thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine được thực thi đầy đủ. Chính vì vậy, thời hạn của thỏa thuận này có thể được kéo dài.
Ngoài cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc gặp thượng đỉnh Bộ tứ Normandy cũng bị chi phối bởi tình hình Syria sau khi Nga triển khai các cuộc không kích tại quốc gia Trung Đông này. Hiện tại, những tranh cãi nổ ra giữa Mátxcơva và các nước phương Tây xoay quanh mục tiêu oanh tạc của không lực Nga. Mỹ và nhiều đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, kế hoạch của Nga không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chỉ là vỏ bọc. Thực chất, mục tiêu Mátxcơva nhắm vào là lực lượng đối lập tại Syria. Tuy nhiên, điện Kremlin đã phủ nhận lập luận này; đồng thời cho biết, sẽ cung cấp thông tin đầy đủ và chân thực cho công luận mỗi ngày hai lần về hoạt động của không quân Nga tại Syria, gồm cả bản đồ chi tiết, ảnh cũng như các video không tập.
Dù có vì mục tiêu gì đi chăng nữa, sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria cũng là một nước cờ bất ngờ của Tổng thống V.Putin. Hành động đầy quyết đoán vào thời điểm không thể khác của Mátxcơva không chỉ giúp Nga khẳng định sự hậu thuẫn mạnh mẽ đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, củng cố các căn cứ quân sự tại Địa Trung Hải mà còn được cho là sẽ thay đổi cục diện cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua. Sự chủ động của Mátxcơva cũng đã giúp thành lập một trung tâm liên hợp chia sẻ thông tin tình báo, quân sự nhằm chống IS giữa Syria, Iran và Iraq. Theo giới bình luận quốc tế, cái bắt tay với cả chính quyền Baghdad, vốn do Mỹ dựng lên, thậm chí đương kim Thủ tướng Iraq còn để ngỏ khả năng cho Nga không kích IS trong lãnh thổ Iraq là bước đi ngoạn mục của Mátxcơva khiến phương Tây không ngờ tới. Điều này cho thấy, nỗ lực cô lập Nga khỏi các vấn đề quan trọng của thế giới là bất khả thi. Phương Tây cần phải nghiêm túc tính đến vai trò của Mátxcơva trong sự ổn định toàn cầu.
Nga san phẳng trung tâm chỉ huy của IS ở Raqa Ngày 3-10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, không quân nước này đã tiến hành không kích và phá hủy sở chỉ huy chiến đấu của một nhóm chiến binh Hồi giáo ở Raqa. Trong 48 giờ qua, các máy bay chiến đấu Su-34 và Su-24M đã thực hiện 20 vụ không kích vào 9 địa điểm của IS. Một chiếc máy bay Su-34 đã thả bom xuyên phá hủy một vị trí chỉ huy của IS, đồng thời phá hủy kho chứa vũ khí và thuốc nổ đặt ngầm dưới lòng đất. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.