Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh viện phải là nơi an toàn

Đình Hiệp| 11/05/2017 06:14

(HNM) - Nhắc tới bệnh viện (BV), mọi người thường nghĩ ngay tới sự yên tĩnh, an bình! Chỉ một lời nói, hành động thiếu ý thức như hút thuốc, to tiếng, cãi vã... là lập tức bị phê bình, lên án, bởi lẽ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe bệnh nhân.


Không những vậy, những hành vi đó còn có thể khiến các y, bác sĩ mất tập trung trong hoạt động thăm khám, chữa bệnh cứu người. Chẳng phải vô cớ, các BV đều có những khu cách ly, quy định giờ giấc vào thăm bệnh nhân, thuê nhân viên bảo vệ thực hiện quy định nghiêm ngặt... Tất cả đều nhằm mục đích chăm sóc tốt nhất cho người bệnh!

Thế nhưng, một số vụ việc gây mất trật tự, an ninh BV, thậm chí tấn công, hành hung các nhân viên y tế và cả bệnh nhân xảy ra khiến nhiều người bất an. Có thể kể ra một vài vụ việc gần đây: Tại BV Đại học Y Hà Nội, một nhóm côn đồ dùng hung khí xông vào khống chế nhân viên y tế để tiếp tục hành hung nạn nhân vừa được đưa tới cấp cứu; tại BV Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), các đối tượng côn đồ còn mang theo vũ khí tấn công nhân viên; tại BV Đa khoa Thạch Thất, người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ chữa trị cho con mình... Khi xảy ra những vụ việc đáng tiếc trên, bệnh nhân bị tác động, thiệt thòi nhiều nhất bởi các y, bác sĩ còn phải lo bảo vệ bản thân thì sao có thể cứu chữa kịp thời, hiệu quả... Chưa kể, ngay khi vụ việc mất an ninh đã được xử lý, liệu các bác sĩ có thể lập tức bình tâm để đưa ra quyết định, thực hiện động tác kỹ thuật chuyên môn chính xác, hiệu quả nhất?

Ngăn chặn không để tái diễn các vụ việc gây mất trật tự, an ninh BV là đòi hỏi cấp thiết!

Và, để đưa giải pháp hữu hiệu phải trả lời được câu hỏi: Đâu là nguyên nhân?

Trả lời cho câu hỏi này cần nhìn nhận thực tế, đa chiều. Về phía các BV, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn một số cán bộ, y, bác sĩ chưa có kỹ năng giao tiếp với người bệnh và người nhà bệnh nhân, thậm chí còn hách dịch, chậm trễ cấp cứu gây ra bức xúc cho người bệnh. Ở phía ngược lại, người bệnh và người nhà nhiều khi không hiểu được tính chất bệnh tình, không thông cảm với hạn chế về cơ sở hạ tầng và sự quá tải của BV, muốn được ưu tiên khám trước hoặc thấy y, bác sĩ chậm giải thích… là manh động, gây sự, có hành vi uy hiếp. Tuy vậy, để xảy ra những vụ côn đồ lộng hành ở cơ sở y tế là công tác bảo đảm an ninh tại không ít BV còn hạn chế, đội ngũ bảo vệ còn mỏng, thiếu kỹ năng chuyên môn xử lý tình huống phát sinh; sự phối hợp với chính quyền, công an sở tại cũng chưa chặt chẽ...

Để bảo đảm an ninh BV, việc quan trọng đầu tiên là phải tăng cường phổ biến, giáo dục nhân viên y tế nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh, người nhà bệnh nhân và kỹ năng phát hiện, xử lý trước các tình huống bất trắc xảy ra… Các cơ sở y tế cũng cần hoàn thiện, củng cố nhân lực, trang, thiết bị bảo đảm an ninh, thực hiện nghiêm quy định ra vào, thăm khám,... Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với chính quyền, công an sở tại để có sự hỗ trợ kịp thời nhằm giải quyết, xử lý các vụ việc mất an ninh, trật tự.

Ngành Y tế cũng cần đưa nội dung bảo đảm an ninh làm tiêu chí đánh giá chất lượng BV. Khoản 11, Điều 6, Chương I, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định rõ cấm "Gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề". Quy định này cần phải thực hiện nghiêm túc để bảo đảm an ninh không chỉ cho nhân viên y tế mà cho cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Từng cơ sở y tế, mỗi người dân đều phải nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm an ninh để BV thực sự là nơi an toàn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện phải là nơi an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.