(HNM) - Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, với những gì Hà Nội đạt được như hôm nay, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút tán thành thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan” cách đây 10 năm rất hài lòng với quyết định của mình.
Thực hiện tốt vai trò "gác cổng" pháp luật
Việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII đặt ra những vấn đề thực tế trước mắt cũng như lâu dài phải xử lý cho phù hợp với yêu cầu phát triển của một Thủ đô đã được mở rộng.
Trong khi đó, quy định của Pháp lệnh Thủ đô lúc ấy chưa tạo được sự chủ động, phối hợp giữa các cơ quan quản lý của trung ương với chính quyền các cấp của thành phố và với chính quyền các tỉnh, thành phố khác trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp cùng có chung nhận định cần thiết phải nâng Pháp lệnh Thủ đô lên thành Luật Thủ đô với nhiều cơ chế phân cấp đặc thù, giúp Hà Nội có thể phát triển tốt hơn sau khi mở rộng địa giới hành chính.
Người dân đánh giá sự hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân. Ảnh: Viết Thành |
Sau khi Luật Thủ đô được thông qua, Bộ Tư pháp tiếp tục theo sát việc HĐND TP Hà Nội ban hành 14 nghị quyết; UBND thành phố ban hành 2 quyết định cụ thể hóa luật trên nhiều lĩnh vực giáo dục, quy hoạch kiến trúc, giao thông - vận tải, môi trường, tài chính..., tạo sự chuyển động rất tích cực.
Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá, điểm nổi bật nhất trong những năm qua là hạ tầng kỹ thuật của thành phố thay đổi rất mạnh mẽ. "Nhiều năm trước, có những xã tôi phải đi 2 tiếng từ trung tâm huyện mới đến nơi. Nhưng sau 10 năm, kinh tế phát triển mạnh, giao thông nông thôn đã khác hẳn, được cải thiện rất nhiều" - ông Khuất Văn Thành nhấn mạnh.
Không dừng lại ở đó, với vai trò "gác cổng" pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giám sát việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, tập trung vào nội dung ban hành văn bản quy định chi tiết và quản lý dân cư tại Hà Nội. Đồng thời, hỗ trợ Hà Nội rà soát giảm bớt các thủ tục hành chính theo đúng tinh thần của Luật Thủ đô, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại và phục vụ, bảo đảm liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập quốc tế.
Hiện nay trong lĩnh vực hộ tịch, lý lịch tư pháp, Hà Nội đã xây dựng, đồng bộ hệ thống dữ liệu liên thông từ các sở, ngành, quận, thị xã, huyện đến phường, xã, thị trấn kết nối tốt với hệ thống của Bộ Tư pháp. Đây là tài sản quý nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ thông tin ban đầu chỉ áp dụng ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác, nhưng sau đó được triển khai đại trà. Chẳng hạn như, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp qua bưu chính với thời gian rút ngắn hơn luật định; thực hiện "một cửa liên thông" về đăng ký giấy khai sinh, nhập hộ khẩu, cấp thẻ bảo hiểm y tế trẻ em.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhớ lại, thời điểm ban đầu, một số cán bộ Trạm Y tế xã Tân Minh (huyện Thường Tín) đã xử phạt 1 triệu đồng đối với người sinh con thứ 3 và 1,5 triệu đồng đối với người sinh con thứ 4. Vụ việc ngay sau đó đã được ông phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội xử lý. Nhờ thành phố tăng cường tập huấn kiến thức pháp luật cho cán bộ tư pháp thường xuyên, Bộ Tư pháp giám sát chặt chẽ nên không xảy ra tình trạng tương tự.
Đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống mạnh mẽ hơn
Trong thành công của Hà Nội hôm nay có sự hỗ trợ rất lớn của ngành Tư pháp với vai trò "gác cổng" về thể chế. Tuy nhiên, cuộc sống luôn vận động, quá trình triển khai Luật Thủ đô - văn bản có cơ sở pháp lý cao nhất có giá trị lâu dài, ổn định để xây dựng, quản lý Thủ đô văn minh hiện đại đã bộc lộ những vấn đề cấp thiết cần Bộ Tư pháp ưu tiên phối hợp giải quyết.
Các đánh giá cho thấy, Nghị quyết quy định xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai do HĐND thành phố chịu trách nhiệm chậm được triển khai. Nguyên nhân do Nghị định 102/ 2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ban hành sau khi có Luật Thủ đô, trong đó mức xử phạt theo quy định hiện nay đã gấp 2 lần so với mức phạt cũ, nên trước mắt thành phố chưa quy định tăng mức phạt.
Bên cạnh đó, có văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ đến nay chưa được ban hành như, quyết định ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của Luật Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế do chưa có quy chế cụ thể, mới chỉ dừng ở thực hiện quy hoạch xây dựng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Chưa kể, mặc dù đã có Luật Thủ đô với điều kiện nhập hộ khẩu khắt khe hơn, nhằm hạn chế di dân vào nội thành, tuy nhiên biện pháp này không thực sự hiệu quả. Vì vậy, Luật Thủ đô chưa thực sự lan tỏa tác dụng đều khắp. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng, tất cả những vấn đề bức xúc dân sinh cần phải được tổng kết, đánh giá để xem xét, sửa Luật Thủ đô cho hiệu quả.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, sự nỗ lực của thành phố cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời của Bộ Tư pháp trong việc "gác cổng" pháp luật, tiếp tục chỉnh sửa, đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.