Văn hóa

10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW: Hiện thực sinh động nhìn từ Hà NộiBài cuối: Tạo xung lực mới trên nền văn hóa

Nhóm phóng viên 05/12/2024 11:50

“Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng” là tinh thần xuyên suốt trong thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Đây cũng là động lực để thành phố Hà Nội tiếp tục đưa ra những chính sách nhằm phát huy cao độ tinh thần, sức sáng tạo của nhân dân đóng góp cho sự vươn mình của Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

bac-bo-phu.jpg
Lần đầu tiên, tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, những di tích quan trọng như Bắc Bộ phủ đã được mở cửa đón công chúng tham quan. Ảnh: Linh Tâm

Sức mạnh từ khai thông nguồn lực

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 vừa khép lại nhưng dư âm vẫn còn vang vọng. Tập trung vào 3 trụ cột chính là thiết kế - cộng đồng - và sáng tạo, lễ hội đã thu hút sự tham gia của đông đảo các cộng đồng sáng tạo với hơn 100 hoạt động của 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa (CNVH). Những hàng dài người dân xếp hàng đến chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc trong giao lộ sáng tạo đã cho thấy sự thành công của một sân chơi mà ở đó chủ thể sáng tạo và người thụ hưởng sáng tạo đều cảm thấy hạnh phúc.

Đây là một trong những biểu hiện sinh động của một quá trình khơi thông nguồn lực, đưa văn hóa, sáng tạo trở thành nhu cầu tự thân vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.

Quả thật, dấu ấn một thập niên qua cho thấy người dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể tham gia xây dựng, bồi đắp các giá trị văn hóa. Các sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc sắc phản ánh diện mạo, bản sắc của Hà Nội như Chương trình “Đêm thiêng liêng” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, chương trình “Trải nhiệm Văn Miếu về đêm”, “Ngọc Sơn huyền bí”, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” và hơn 200 không gian sáng tạo - nơi nuôi dưỡng và phát triển các tài năng trên lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật... tiếp tục đặt ra vấn đề hết sức thiết thực về phát huy và chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa của Hà Nội trong chặng đường mới, định vị tên gọi Thành phố sáng tạo.

GS.TS Phạm Hồng Tung, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển khái quát một lần nữa: “Hà Nội đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO với tinh thần đặt CNVH vào trái tim của chiến lược phát triển đô thị. Khảo sát nhiều năm của tôi ở Hà Nội cho thấy có sự chuyển biến trong CNVH Thủ đô, có thể đo đếm được bằng sản phẩm, bằng kinh tế”.

Nhưng ông cũng bày tỏ: “Xâm thực văn hóa từ bên ngoài đã sâu hơn và cuộc bảo tồn phát triển văn hóa trở nên khó khăn hơn nhiều. Nếu ta coi CNVH như một đòn bẩy thì hướng chủ đạo phải là đặt CNVH trên nền sáng tạo, gắn với việc xác định mô hình đô thị hóa Thủ đô. Nghiên cứu các mô hình thành phố thông minh, thành phố sáng tạo... trên thế giới thì thấy xu hướng bao trùm là đô thị đổi mới sáng tạo (innovation city) với bộ chỉ dẫn cụ thể hơn 162 tiêu chí, trong đó có 70 - 80 tiêu chí về lối sống và văn hóa sáng tạo. Hà Nội chúng ta không có lựa chọn nào khác là đô thị đổi mới sáng tạo và đấy là lựa chọn chiến lược”.

Tài nguyên nhân văn và lợi thế so sánh

Như Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã khẳng định, “Văn hóa là nguồn tài nguyên nhân văn, là kho báu quý giá, vô tận, là chất liệu, là nguồn vốn thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, trở thành một trong những lợi thế so sánh để Thành phố Hà Nội có thể phát triển du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế..., những ngành CNVH có thế mạnh, tạo động lực phát triển Thủ đô”.

Khai thác nguồn tài nguyên, phát huy lợi thế so sánh, chỉ có thể trông cậy vào con người sáng tạo và để chuyển hóa nguồn lực ấy thành giá trị kinh tế. Vai trò của quản lý trong công cuộc “mở” con đường cho văn hóa sáng tạo nảy nở lại càng trở thành yêu cầu thiết thực.

Thực tế hiện nay với những mô hình sáng tạo có sản phẩm hữu hình có thể đem lại nguồn thu thì không quá khó để xác định cách thức hoạt động, đó có thể là doanh nghiệp hay hộ kinh doanh cá thể. Nhưng với những lĩnh vực nghệ thuật mang tới “sản phẩm phi vật thể”, để có thể duy trì dài lâu là điều không dễ dàng.

Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm của nhạc sĩ Trần Kim Ngọc có lẽ là một trong những không gian sáng tạo đầu tiên được thành lập (năm 2012) với vai trò là một mô hình độc lập phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy các thực hành âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm đương đại. Song, để có thể trở thành một mô hình độc lập như Đom Đóm là điều không dễ dàng bởi các quy định hành chính. Hầu hết các không gian sáng tạo nghệ thuật phải đăng ký hoạt động dưới “vỏ” hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp xã hội, vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu vì cộng đồng. Theo Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, không gian sáng tạo Heritage Space hiện đang hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp xã hội với nguồn thu từ các chương trình và dự án gây quỹ. Khó khăn của Heritage Space nói riêng và của nhiều không gian sáng tạo nghệ thuật nói chung, khi nguồn thu đều dành cho các dự án, chương trình không sản sinh ra tiền nhưng lại phải chịu thuế như doanh nghiệp bình thường. “Khi không phải là một tổ chức phi lợi nhuận, các nhóm sáng tạo sẽ khó khăn hơn rất nhiều để có thể tiếp cận với những nguồn hỗ trợ lớn từ quốc tế”, ông Tuấn chia sẻ.

Tồn tại theo mô hình nào để một không gian sáng tạo nghệ thuật có thể duy trì và phát triển là trăn trở của nhiều cá nhân. Chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, Quyền Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) cho biết: “Việc vận hành một tổ chức phi lợi nhuận như VICH gặp khó khăn lớn nhất là về chi phí cố định như nhân sự, văn phòng làm việc và không gian biểu diễn. Những chi phí cố định này nếu tính khấu hao vào sản phẩm thì sẽ không khả thi để thu hồi, nhưng đây lại là những chi phí không thể cắt giảm khi muốn cung cấp sản phẩm”.

Gia tăng sức mạnh cho con người sáng tạo cần lắm một “cơ chế chuyển hóa” để mang lại cơ hội kinh doanh cho cộng đồng trẻ, phá bỏ những điểm nghẽn giúp các hoạt động văn hóa nghệ thuật của cộng đồng sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng.

PGS.TS Trần Trọng Dương, thành viên của nhóm nghiên cứu ứng dụng di sản vào đời sống Sen Heritage, nhận định: “Để phát huy hơn nữa vai trò của chủ thể sáng tạo, cần luật hóa các sản phẩm văn hóa một cách cụ thể. Hiện tại những sản phẩm văn hóa đặc thù được sáng tạo hoặc lấy ý tưởng từ các di tích, sản phẩm khảo cổ, nhiều chỗ không được coi là một sản phẩm có thể đăng ký bản quyền. Di sản vẫn luôn được coi là của chung, của cộng đồng nên những nghiên cứu dựa trên di sản không thể đăng ký bản quyền được. Chính điều đó khiến cho việc sáng tạo gặp nhiều rào cản vì phải đăng ký nó dưới hình thức khác như là một sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp chứ không phải là một sản phẩm văn hóa. Tiếp đó, chúng ta cần có cơ chế cho việc đăng ký bản quyền các sản phẩm văn hóa dạng số. Hiện tại, chỉ có hình thức đăng ký bằng cách chụp hình sản phẩm rồi in ra giấy để đăng ký trong khi hình thức này không còn phù hợp. Khi sản phẩm số được đăng ký bản quyền và được khai sinh, từ đó mới có chế tài, cơ chế pháp lý để giúp nó tồn tại”.

Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn kỳ vọng, với sự ra đời của Luật Thủ đô 2024, hoạt động thúc đẩy hợp tác công tư (các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi cao hơn quy định hiện hành về tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào 12 ngành công nghiệp văn hóa - PV) là điều Hà Nội có thể thực hiện nhằm khuyến khích sáng tạo, để ngày càng có thêm nhiều sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng cao, nhu cầu của cộng đồng như Lễ hội Thiết kế sáng tạo mà Thành phố tổ chức vừa qua.

Từ hiện thực sinh động sau 10 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, rõ ràng, Thủ đô của nghìn năm kết tinh, lan tỏa luôn mang trong mình nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào từ mọi tầng lớp dân cư. Một quá trình cộng hưởng của các chính sách thúc đẩy đúng đắn chắc chắn sẽ tạo xung lực mạnh mẽ cho cuộc vươn mình của Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW: Hiện thực sinh động nhìn từ Hà Nội Bài cuối: Tạo xung lực mới trên nền văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.