(HNM) - Sau rất nhiều nỗ lực thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa dẫn tới sự ra đời của Hiệp ước Lisbon, nhiều ý kiến cho rằng cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu (EP) vừa diễn ra là một dấu mốc quan trọng trong quá trình thực thi bản văn kiện vốn được đánh giá là một thành tựu về cải cách thể chế quyền lực của Liên minh Châu Âu (EU).
Tuy nhiên, những gì diễn ra không giống với kỳ vọng. Bầu cử EP đã không được dư luận quan tâm như một sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với các chính sách của EU trong tương lai mà lại trở thành "bữa tiệc" của phe cực hữu khi họ giành chiến thắng áp đảo ở nhiều nước thành viên của EU. Ngay cả những bất đồng sâu sắc trong việc lựa chọn người đứng đầu Ủy ban Châu Âu (EC) - chức vụ được xem là Thủ tướng của khối 28 quốc gia - cũng cho thấy Cựu lục địa còn phải vượt qua rất nhiều thách thức trên lộ trình nhất thể hóa.
Thủ tướng Anh D.Cameron (trái) và ứng cử viên tiềm năng cho vị trí Chủ tịch EC J.C.Juncker. |
Trước đó, cuộc đua vào ghế Chủ tịch EC đã được dự báo sẽ ẩn chứa nhiều thách thức, vì các nhà lãnh đạo Châu Âu chưa tìm được tiếng nói chung xung quanh thể thức bầu chọn Chủ tịch EC nhiệm kỳ tới. Chính vì vậy, dù là đại diện của đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) nắm giữ số ghế cao nhất tại EP trong cuộc bầu cử vừa qua, song cựu Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker vẫn vấp phải sự phản đối của nhiều lãnh đạo của EU, đặc biệt là Thủ tướng Anh David Cameron. Trong cái nhìn của ông chủ ngôi nhà số 10 phố Downing, cựu Thủ tướng Luxembourg J.C. Juncker là một nhân vật có xu hướng tăng cường quyền lực của EC và xem nhẹ thẩm quyền chính phủ của các quốc gia thành viên. Thủ tướng D.Cameron cho rằng, những chính khách tranh cử vào các vị trí quan trọng của Châu Âu phải biết gạt sang một bên các lợi ích của nước mình để dồn tâm sức xây dựng một Châu Âu cởi mở, có tính cạnh tranh cao hơn và năng động hơn so với trước đây.
Tuy nhiên, ông J.C. Juncker lại nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên khác của EU với nhận định chính khách kỳ cựu 59 tuổi này là một trong những nhân vật nổi bật trong bộ máy hoạt động của liên minh chính trị lớn nhất thế giới. Cựu Thủ tướng Luxembourg được mệnh danh là người có thể dung hòa thái cực, làm cầu nối để các bên đạt được những thỏa thuận cùng chấp nhận được. Mục tiêu xuyên suốt trong 25 năm gắn bó với "công việc bếp núc" tại Châu Âu của ông J.C. Juncker là thúc đẩy hội nhập giữa các thành viên cũ và mới, giữa các "đại gia" với những "mắt xích yếu" để tạo nên một sự gắn kết trong mái nhà chung Châu Âu. Kết quả là, trong cuộc bỏ phiếu để lựa chọn ứng cử viên vào vị trí Chủ tịch EC, ông J.C.Juncker nhận được 26/28 phiếu ủng hộ. Điều này càng khoét sâu rạn nứt giữa Anh với các thành viên khác của EU và khả năng nước Anh rời khỏi EU hay không thực sự là nguy cơ cần xem xét nghiêm túc.
Trong vòng hơn một năm trở lại đây, không ít lần Thủ tướng Anh D.Cameron nhắc tới kế hoạch đưa triển vọng của Anh tại EU ra trưng cầu dân ý cử tri trước cuối năm 2017 nếu ông tái đắc cử. Trong thời gian tới, ông D.Cameron có tham vọng thương thuyết lại quan hệ giữa London và Brussels. Ý muốn chung của lãnh đạo Anh là giảm các quy định, can thiệp vào công việc nội bộ từ phía EU, cũng như các điều khoản hợp tác. Nếu câu chuyện Anh ra khỏi EU mà các nhà phân tích gần đây vẫn gọi là "Brexit" trở thành sự thật, đây sẽ là một kết cục đáng buồn cho cả hai bên và là bước lùi cho tham vọng mở rộng của khối. Vì lẽ đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi ngay sau cuộc bỏ phiếu, các nhà lãnh đạo EU lập tức tìm cách xoa dịu đảo quốc Sương mù bằng cam kết giải quyết những quan ngại của London về tương lai của EU và xem xét lại quy trình lựa chọn các chủ tịch EC trong thời gian tới. Một chính khách người Anh có thể cũng sẽ được bổ nhiệm vào ban lãnh đạo mới của EC.
Dự kiến, ngày 16-7 tới, ông J.C. Juncker sẽ trải qua một cuộc bỏ phiếu xác nhận tại EP, tuy nhiên đây chỉ là một động thái mang tính hình thức trước khi trở thành Chủ tịch EC thay ông Jose Manuel Barroso. Với những gì đang diễn ra, nhiều nhà phân tích cho rằng, một nhiệm vụ hàng đầu của tân Chủ tịch EC sẽ là cải thiện quan hệ với London nhằm giữ chân nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và hiện vẫn là trung tâm tài chính hàng đầu Châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.