(HNM) - Tại hội thảo "Bảo vệ bản quyền điện ảnh và truyền hình" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ triển lãm quốc tế "Phim và Công nghệ truyền hình Việt Nam 2015", một con số đáng giật mình đã được nêu ra: 30% đến 40% số bộ phim hiện nay bị phát tán trên mạng internet ngay sau khi phát hành.
Không chỉ điện ảnh, tình trạng vi phạm bản quyền, nói cách khác là "sống trên lưng văn nghệ sĩ" tiếp tục là vấn đề "nóng" ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: Âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa và đặc biệt là trong lĩnh vực xuất bản. Mới đây, Công an Hà Nội đã bắt quả tang Công ty TNHH in Dương Khánh (số nhà 28, Ngõ 129, đường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) đang gia công, số lượng lớn sách "Đắc nhân tâm". Bản in chính thức tiếng Việt cuốn sách này do Công ty Văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt mua bản quyền phát hành tại Việt Nam. Tổng số lượng sách làm giả ước tính khoảng 7.000 cuốn, giá bìa đề 68.000 đồng/cuốn. Như vậy, nếu phát hành ra thị trường, họ sẽ thu về khoảng 500 triệu đồng.
Hậu quả của vi phạm bản quyền tác động trực tiếp đến nhà đầu tư. Các công ty sản xuất phim truyền hình nếu bị ăn cắp bản quyền, tung lên mạng sẽ "thiệt kép". Tức là doanh nghiệp đã ký hợp đồng quảng cáo trên phim đó sẽ hủy hợp đồng nhưng nhà sản xuất vẫn phải phát sóng vì đã ký với truyền hình. Thực tế trong thời gian qua đã có hãng phim bị phá sản. Trong âm nhạc thì sao? Hầu như không có ca sĩ nào ra album mà thu đủ vốn, họ chứng kiến đĩa hát bị in sao lậu rao bán trước mặt mà... bất lực. Thực trạng sách lậu, sách nhái nghiêm trọng hơn rất nhiều. Một đất nước 90 triệu dân nhưng một đầu sách các nhà xuất bản chỉ dám in 1.000 cuốn và bán lay lắt hơn năm không hết. Sách lậu, sách nhái không phải trả tiền bản quyền, lại in trên giấy rẻ tiền nên giá thấp hơn đã bóp chết sách thật và hiện tại rất nhiều nhà xuất bản trong tình trạng lay lắt. Đáng nói hơn, tình trạng vi phạm bản quyền đã tác động tiêu cực đến xã hội, triệt tiêu động lực sáng tạo của nhà văn, của người viết sách khoa học, nhà làm phim…; đồng thời dung dưỡng cho thói xấu thích dùng "chùa". Không ngăn chặn được vấn nạn vi phạm bản quyền cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu văn hóa, những đồng ngoại tệ chắt chiu gom góp được bị bỏ ra mua các trò chơi truyền hình, sách và các văn hóa phẩm khác.
Hậu quả nguy hại của vi phạm bản quyền rất rõ và kéo dài nhiều năm qua, nhưng tại sao vi phạm cứ diễn ra? Cơ quan chức năng của TP Hà Nội không cấp phép cho các công ty tổ chức biểu diễn đã có "vết chàm", không trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ nhưng chả sao, họ xin giấy phép ở các tỉnh khác rồi quay trở lại biểu diễn ở Hà Nội vì luật cho phép như vậy. Có công ty văn hóa kiện một cơ sở in sách mà họ đã mua bản quyền, tuy nhiên phần thua lại thuộc công ty đi kiện vì không có chứng cứ in lậu và tòa án phán rằng "họ chỉ đóng xén thuê và nếu muốn kiện ai thuê thì phải có kết quả điều tra". Có ca sĩ từng làm đơn lên cơ quan chức năng khi album của cô bị sao chép lậu nhưng ca sĩ nhận được hồi âm bằng các câu hỏi: "Tên người sao chép, ở đâu, số lượng…".
Rõ ràng ngay trong luật bản quyền có những điều khoản không phù hợp với thực tế và việc thực hiện cũng còn nhiều bất cập. Nếu không sửa đổi thì giới văn nghệ sĩ, nhà đầu tư, nhà xuất bản tiếp tục là nạn nhân của tình trạng vi phạm bản quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.