Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất lực với tin nhắn rác?

Việt Nga| 17/07/2015 06:27

(HNM) - Dù các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công bố thực hiện các biện pháp để giảm nạn tin nhắn rác; cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các giải pháp để quản chặt hơn… nhưng tin nhắn rác vẫn đang là vấn nạn gây bức xúc cho người dùng di động.



Cách đây khoảng một năm, tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã đưa ra giải pháp sẽ trực tiếp quản lý đầu số tổng đài từ nhà mạng nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo...

Đã xuất hiện, bùng phát kéo dài 7-8 năm nhưng đến nay dường như các cơ quan chức năng, nhà mạng gần như vẫn chưa tìm ra biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Các phương tiện truyền thông cũng đã nhiều lần phản ánh khách hàng dùng di động thường xuyên phải nhận vài tin nhắn rác/ngày, với nội dung rao bán sim, bất động sản, chăn ga gối đệm… gây khó chịu cho người dùng.

Một khách hàng dùng thuê bao di động ở TP Hồ Chí Minh cho biết, thường phải đi công tác ở nước ngoài và hay mua sim di động của nước sở tại để tiện liên hệ. Điều "lạ" là ở các nước đó không có chuyện nhà mạng "vô tư" cho xả tin nhắn rác tới các thuê bao như ở Việt Nam. Khi mua sim mới, nạp thẻ cũng chỉ nhận được thông báo cho khách hàng biết đã sử dụng dịch vụ của nhà mạng hoặc thông báo nạp thẻ cào thành công.

Trong khi đó, nếu là khách hàng dùng di động trong nước, ngay sau khi kích hoạt đã liên tục nhận được mời sử dụng các dịch vụ đã mặc định trong sim, chạy trên màn hình và nếu chỉ cần click vào, thuê bao sẽ bị trừ tiền 5.000-7.000 đồng… Đó còn là nạn tin nhắn lừa đảo với việc các đối tượng xấu thành lập DN kinh doanh các đầu số tổng đài để phát tán tin nhắn lừa đảo và nếu trả lời, người dùng bị trừ 15.000-30.000 đồng trong tài khoản; hoặc tạo ra phần mềm ngầm trên website, nếu khách hàng click vào đường link dẫn sẽ kết nối với tổng đài và bị trừ tiền… Được biết, số tiền các đối tượng thu lợi bất chính qua việc phát tán tin nhắn rác, lừa đảo lên tới hàng chục tỷ đồng. Không ít vụ đã bị phanh phui, xử lý nhưng lợi nhuận thu được đã làm mờ mắt những kẻ xấu và tin nhắn rác vẫn tiếp tục "hoành hành".

Nguyên nhân của các vấn nạn tin rác, tin lừa đảo xảy ra đầu tiên thuộc về các cá nhân và tổ chức phát tán tin nhắn rác. Song, không thể không kể đến vai trò trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ di động. Chính các nhà mạng được cơ quan quản lý nhà nước giao cho quản lý và khai thác các đầu số tổng đài và họ đã thực hiện các hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác là các DN cung cấp về nội dung và hưởng tỷ lệ ăn chia phổ biến ở mức 45-55% (trong đó DN đối tác hưởng 45%, nhà mạng hưởng tỷ lệ ăn chia 55%). Dư luận nghi vấn, phải chăng đó là lý do khó "dẹp" nạn tin nhắn rác.

Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước hồi đầu tháng 8-2014, lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết sẽ xem xét để thực hiện quản lý các đầu số tổng đài thay vì để DN quản lý như hiện nay. Vì, theo quy định, việc kiểm soát nội dung trên mạng di động chỉ có cơ quan quản lý mới được làm, trong khi đó các nhà mạng vốn có hạ tầng cho thuê đầu số nhưng không được quản lý nội dung. Do vậy, mới có chuyện các đối tác thuê hạ tầng thực hiện các hành vi lừa đảo mà nhà mạng không thể kiểm soát.

Và để hạn chế nạn tin rác, tin lừa, Bộ TT-TT sẽ thu hồi quyền quản lý đầu số viễn thông từ DN hiện nay về cơ quan quản lý nhà nước, theo hướng Nhà nước sẽ quản lý đầu số và cấp đầu số, đồng thời kiểm soát nội dung mà các DN nội dung sẽ cung cấp ra thị trường; các DN cung cấp dịch vụ viễn thông chỉ giữ vai trò cho thuê hạ tầng. Tuy nhiên, đã được gần một năm trôi qua, dường như đề xuất này vẫn đang ở trên bàn thảo luận.

Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ chín khóa XIII vừa diễn ra, vấn nạn tin nhắn rác đã được đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn. Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa kết thúc đầu tháng 7-2015, cử tri cũng đặt ra câu hỏi về biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác… Bức xúc là vậy nhưng không rõ đến khi nào cơ quan quản lý nhà nước mới tìm ra giải pháp ngăn chặn triệt để vấn nạn này?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất lực với tin nhắn rác?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.