(HNM) - Giống như vụ Công ty Vedan xả thải hủy hoại môi trường sông Thị Vải cách đây vài năm, hành vi chôn lấp thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng và các chất thải gây nguy hại môi trường của Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái (Thanh Hóa) mới đây cũng được cơ quan chức năng kết luận là không thể xử lý hình sự. Đây là 2 vụ việc được đánh giá vi phạm môi trường nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Nghiêm trọng thế, nhưng tại sao lại không thể truy tố, xử lý hình sự? Đây là câu hỏi đang gây đau đầu các cơ quan chức năng và khiến dư luận bức xúc. Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một chuyên gia của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đặt ra một câu hỏi: Thế nào là nghiêm trọng, thế nào là đặc biệt nghiêm trọng? Hỏi rồi ông tự trả lời: Nói nghiêm trọng, nhưng thực tế là chẳng có thước nào để đo bởi chúng ta chỉ định tính chứ chưa định lượng được. Mà không định lượng được thì không có cơ sở để đưa ra truy tố.
Không chỉ khó trong xác định thế nào là nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, một số quy định hiện hành khác cũng đang tự "trói" quyền hạn của cơ quan chức năng. Cụ thể, khi xả thải ra môi trường, hậu quả thường phải 5-10 năm sau mới phát tác nhưng đến thời điểm đó thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết.
Cách đây chưa lâu, một vị nguyên là lãnh đạo Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội từng bức xúc: "Ta có luật, có chế tài xử lý, nhưng vì sao chưa xử lý được ai, trong khi các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng trầm trọng". Với những kiến giải ở trên, có lẽ câu trả lời đã rõ ràng. Và càng đáng báo động hơn khi từ đầu năm 2014 đến nay, có tới 184 vụ vi phạm pháp luật về môi trường bị xử lý, nhưng tất cả cũng mới chỉ dừng ở mức độ xử lý hành chính, chẳng đủ sức răn đe.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.