Bạn đọc

Dầu mỡ thực phẩm chưa qua xử lý xả thải trực tiếp: Áp lực "đè nặng" hệ thống thoát nước

Kim Vũ 16/11/2023 - 07:24

Thực trạng dầu mỡ thực phẩm chưa qua xử lý tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh - nhất là tại các nhà hàng - xả thải trực tiếp đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước.

Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã nghiên cứu, triển khai lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều cống thoát nước vẫn bám dính dầu mỡ, gây khó khăn cho ngành cấp thoát nước.

nguoi-dan-rua-bat-dia-va-xa.jpg
Người dân rửa bát đĩa và xả nước thải trực tiếp xuống hệ thống thoát nước tại phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Diệp Thảo

Gây ách tắc dòng chảy

Tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại phố Hòe Nhai (quận Ba Đình) cho thấy, hầu hết các nhà hàng nấu lẩu, bún ốc, bít tết... đều đổ nước rửa bát đĩa trực tiếp xuống miệng cống trên vỉa hè trước nhà. Khi công nhân môi trường cậy nắp cống để vệ sinh thì bên dưới là thứ nước sóng sánh nhiều dầu mỡ, cặn thức ăn thừa tạo thành.

Tương tự, ghi nhận tại trước cửa nhà số 379 phố Đội Cấn (quận Ba Đình), các cửa hàng ăn uống rửa nồi niêu, bát đĩa rồi đổ trực tiếp xuống cống chung. Do đó, nhìn qua khe nắp cống bằng mắt thường là một mảng dày đặc gồm rác thải, cặn thức ăn xen lẫn dầu mỡ màu trắng. Ngay khi nắp cống được mở ra, một mùi hôi thối bốc lên, mặt nước đậm đặc váng mỡ, chất thải…

Thực trạng nguồn nước thải đông đặc ngay ở miệng cống cũng xảy ra ở phố Lương Ngọc Quyến (quận Hoàn Kiếm). Đếm sơ qua trên tuyến phố ngắn này có khoảng 20 cửa hàng ăn uống hằng ngày xả chất thải trực tiếp ra cống thoát nước.

Chị Nguyễn Thanh Hằng, người dân phố Lương Ngọc Quyến cho biết, đa số người bán hàng đều đổ nước thải từ xoong nồi xào nấu xuống miệng cống thu nước thải. Việc đầu tư hệ thống tách dầu mỡ ở các nhà hàng còn rất hạn chế.

Dọc sông Tô Lịch, sông Nhuệ ở khu vực nội thành hiện cũng có nhiều họng thoát nước thải của các hộ dân và cơ sở kinh doanh ăn uống, sửa xe... xả thẳng xuống lòng sông.

Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) Hoàng Thế Hùng cho biết, trong quá trình nạo vét hệ thống thoát nước, công nhân thường xuyên đối mặt tình trạng dầu mỡ thực phẩm bám vào thành cống lâu ngày và tích tụ thành bè mảng lớn. Nếu không kịp thời xử lý rất dễ xảy ra tắc nghẽn dòng chảy. Do đó, ở những khu vực có nhiều dầu mỡ thải ra hệ thống thoát nước, xí nghiệp phải tăng nhân công, thiết bị để kịp thời khơi thông dòng chảy, giảm tắc nghẽn cục bộ hệ thống thu gom nước thải.

Cần có quy định bắt buộc

Theo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, từ năm 2018, công ty đã kiểm tra và phát hiện hàm lượng dầu mỡ thực phẩm trong nước thải của hệ thống thoát nước đều cao vượt nhiều lần so với quy định cho phép trong Quy chuẩn Việt Nam QCVN 14: 2008/BTNMT (cột B). Trong đó, nước thải xả ra tại các nhà hàng, cơ sở dịch vụ có hàm lượng dầu mỡ cao hơn hàng trăm đến hàng nghìn lần cho phép.

Trước tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội nghiên cứu, chế tạo, đưa vào sử dụng thiết bị tách dầu mỡ với tác dụng làm thay đổi hướng dòng chảy của nước thải chứa dầu mỡ. Thiết bị sẽ giữ lại dầu mỡ, bùn và các chất cặn lắng trong các ngăn chứa, tạo hiệu quả xử lý 90-95% lượng mỡ dầu thải ra.

Theo đó, từ năm 2018, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội đã lắp đặt gần 300 thiết bị tách dầu mỡ trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, cho đến nay, số cơ sở kinh doanh dịch vụ tiến hành lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ vẫn dừng ở con số 300 thiết bị như thời điểm ban đầu - số lượng quá ít để giải quyết những bất cập liên quan.

Phó Trưởng phòng Đối ngoại truyền thông (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) Bùi Ngọc Uyên thông tin, quá trình thực hiện lắp đặt các thiết bị tách dầu mỡ chưa nhận được sự quan tâm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, hiện chưa có quy định cụ thể nào bắt buộc các cơ sở phải lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ thực phẩm nên rất khó triển khai trên thực tế. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa, phát triển của Thủ đô đang rất mạnh mẽ kéo theo nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ra đời, tạo thêm gánh nặng đối với hệ thống thoát nước thải của Hà Nội.

Ông Bùi Ngọc Uyên cho biết, công ty mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu quy định chế tài bắt buộc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có phát thải dầu mỡ thực phẩm cần phải lắp đặt thiết bị tách hoặc các giải pháp xử lý dầu mỡ trước khi thải ra hệ thống thoát nước và môi trường. Đây chính là giải pháp quan trọng nhằm làm sạch hệ thống thoát nước, góp phần giảm thiểu tình trạng ngập úng khi mưa lớn xảy ra.

Ngoài ra, cơ quan chức năng và các địa phương cần tăng cường tuyên truyền tác hại của dầu mỡ với nguồn nước xả thải và những hữu ích từ thiết bị bóc tách dầu mỡ, qua đó nhân rộng giải pháp hiệu quả, góp phần giảm áp lực ở mức thấp nhất cho việc tiêu thoát nước của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dầu mỡ thực phẩm chưa qua xử lý xả thải trực tiếp: Áp lực "đè nặng" hệ thống thoát nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.