Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất định lộ trình Brexit

Thùy Dương| 09/02/2019 07:15

(HNM) - Bất chấp việc Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định xứ sở Sương mù sẽ rời Liên minh châu Âu (EU - hay còn gọi là Brexit) vào đúng thời hạn 29-3 tới, nhiều nhà phân tích cho rằng nước Anh sẽ khó thực hiện đúng lộ trình này.

Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker.


Sau cuộc bỏ phiếu diễn ra cuối tháng 1 tại Quốc hội Anh, Thủ tướng T.May tiếp tục được ủy quyền đàm phán lại về thỏa thuận Brexit với EU. Nhưng đáp lại, EU tỏ rõ sự thờ ơ trước đề xuất này. Điều đó được thể hiện trong cuộc gặp giữa bà T.May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hôm 7-2 tại Brussels (Bỉ).

Trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, ông J.Juncker đã tái khẳng định lập trường của EU về việc không đàm phán lại thỏa thuận "ly hôn" mà hai bên đạt được hồi tháng 11 năm ngoái, đồng thời bác bỏ kế hoạch thay đổi một số điều khoản về đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland. Tuy nhiên, Chủ tịch EC cũng để ngỏ khả năng điều chỉnh cách diễn đạt trong tuyên bố song phương về quan hệ tương lai giữa Anh và EU với hy vọng phá vỡ bế tắc hiện nay.

Về phía Anh, Thủ tướng T.May thừa nhận việc thuyết phục EU là rất khó khăn, song bà và ông J.Juncker đã nhất trí khởi động các cuộc đối thoại từ bây giờ nhằm tìm ra giải pháp. Dẫu vậy, bà cũng khẳng định rằng nếu không có sự thay đổi về điều khoản "rào chắn" thì thỏa thuận Brexit sẽ không bao giờ vượt qua "ải" Quốc hội Anh.

Đây là một chính sách bảo đảm không có đường biên giới cứng chia cách Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh trong trường hợp Anh và EU không thể đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit. Nói cách khác, điều khoản này nhằm giúp bảo đảm một biên giới mở giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của EU cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai.

Thế nhưng, một số nhà lập pháp Anh kịch liệt phản đối, cho rằng điều đó đe dọa sự toàn vẹn biên giới quốc gia, thậm chí có thể dẫn tới việc Anh mãi mãi "mắc kẹt" trong một liên minh thuế quan với EU.

Vì vậy, các nhà phân tích quan ngại rằng, Thủ tướng T.May sẽ không thể thực hiện được đúng lộ trình khi thời hạn 29-3 đang cận kề. Do đó, để tránh tình trạng hỗn loạn kinh tế sẽ xảy ra trên khắp châu Âu trong trường hợp sự chia rẽ không theo quy trình nào thì việc kéo dài Brexit ít nhất vài tuần có thể có lợi hơn cho các bên. Theo nhật báo Telegraph, các bộ trưởng EU đã thảo luận riêng về việc đề nghị Brussels lùi thời hạn chót lại 8 tuần so với dự kiến, tức là tới ngày 24-5.

Theo kế hoạch Brexit, nếu đến ngày 29-3 tới mà không có thỏa thuận nào đạt được và hai bên không kéo dài thêm thời hạn, Anh sẽ trở thành quốc gia ngoài EU mà không có bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào. Với kịch bản này thì ngay sau thời điểm đó, London sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và không còn tên trong các hiệp định thương mại của EU với các quốc gia khác. Nếu đúng như vậy thì những thiệt hại mà Brexit gây ra cho kinh tế Anh là không thể đong đếm.

Hãng tin Bloomberg mới đây ước tính một Brexit “cứng”, nghĩa là không có thỏa thuận nào cho mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU, có thể khiến GDP của đảo quốc Sương mù vào năm 2030 giảm 7% so với việc vẫn là thành viên của EU.

Theo kế hoạch, bà T.May sẽ có cuộc gặp khác với Chủ tịch EC J.Juncker vào cuối tháng 2 này khi chỉ còn khoảng 50 ngày nữa là tới hạn chót cho sự ra đi của Anh. Ngày 14-2 tới, Thủ tướng Anh cũng sẽ khởi xướng cuộc thảo luận mới về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội sau khi văn kiện này bị cơ quan lập pháp Anh bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu ngày 15-1 vừa qua. Vừa làm mọi cách để tránh viễn cảnh Brexit không thỏa thuận vừa đề nghị Brussels tái đàm phán, hai chỉ thị mâu thuẫn với nhau này cho thấy rõ sự bế tắc của nước Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất định lộ trình Brexit

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.