(HNM) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nêu gương là công việc thường xuyên của Đảng và mỗi đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trên thực tế rất nhiều cán bộ, đảng viên đã nêu gương sáng về sự tận tụy, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong công việc; về đạo đức, tác phong, lối sống giản dị, trong sáng, gần gũi với nhân dân... được nhân dân tin yêu. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, tập hợp, lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, từng địa bàn trong các giai đoạn phát triển.
Trong thực tế sinh động của cơ quan, đơn vị, các ngành, lĩnh vực, địa phương, nhiều mô hình, chương trình triển khai quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được thực hiện có hiệu quả, như “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “Đảng viên dìu dắt quần chúng”, “Tự soi, tự sửa” của Quân ủy Trung ương; cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Đảng ủy Công an Trung ương... Có thể nói, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các đơn vị và cả nước.
Tuy nhiên, đánh giá thẳng thắn, việc thực hiện nêu gương của "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên chưa đạt được kết quả như mong muốn và yêu cầu đề ra. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII vừa qua, đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai chưa tạo được sức lan tỏa lớn.
Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa thật sự gương mẫu rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu, thậm chí bị kỷ luật, xử lý hình sự. Vì vậy, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn, thống nhất ban hành quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là lãnh đạo cấp cao được dư luận quan tâm, đồng tình cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tấm gương sáng trước Đảng, trước nhân dân luôn đặc biệt coi trọng việc "làm gương" của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng, mọi cá nhân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhân dân nhìn vào cán bộ, đảng viên để làm theo. Vì thế, mỗi đảng viên muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm trên cả ba mặt: Với mình, với người, với việc.
Ở giai đoạn hiện nay, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là việc tự nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức ở ngay trong tổ, nhóm công tác của mình, ngay trong sinh hoạt của gia đình mình ở khu dân cư. Tiếp đến là gương mẫu trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ...
Giá trị lớn nhất của mỗi cá nhân thể hiện qua những đóng góp của bản thân cho tập thể và rộng hơn là đất nước. Hoàn thành tốt bổn phận, trách nhiệm được giao, phục vụ tốt người dân, xã hội cũng chính là nêu gương.
Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất trong cuộc sống thường ngày, coi việc của người dân là việc của mình. Đó cũng chính là cách để tránh rơi vào những sai lầm, khuyết điểm; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.