Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ nhận thức

Hoàng Thu Vân| 28/12/2010 06:29

(HNM) - Trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII sáng 27-12, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh một số vấn đề, trong đó có việc tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn về nhận thức để mọi người thấy rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.


Bên cạnh những thành tích đã đạt được, vấn đề trên cũng chính là nguyên nhân tạo nên một số tồn tại, hạn chế của phong trào thi đua yêu nước trong thời gian vừa qua. Do nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng và vị trí của phong trào này trong xã hội (bắt đầu từ chính người đứng đầu các cơ quan, tổ chức) nên việc thi đua, khen thưởng ở các đơn vị có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, việc phát hiện, biểu dương, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến có mặt còn hạn chế, từ đó dẫn đến việc chưa khơi dậy được triệt để tiềm năng, tính sáng tạo, sức mạnh của từng cá nhân, tập thể...

Ở không ít đơn vị, phong trào thi đua còn mang nặng tính bình quân chủ nghĩa, cấp trên chia "cái bánh" khen thưởng theo kiểu ai cũng có, tập thể cơ sở nào cũng có; còn cấp dưới thì đề xuất những cá nhân, tập thể "điển hình tiên tiến" theo quan điểm nể nang, cào bằng, tất cả... cùng vui, không để ai mất lòng hoặc "đến hẹn lại lên", lần này được thì lần sau thôi, nhường người khác. Vậy nên nhiều khi tập thể, cá nhân được khen thưởng không thật sự tiêu biểu, không được số đông suy tôn; bản thân tập thể, cá nhân được khen thưởng cũng cảm thấy "ngượng ngùng" trước danh hiệu mà mình được nhận. Nhận thức như vậy, cách làm như vậy đã hạn chế động lực thi đua, làm trì trệ sự phát triển chung của xã hội. Thậm chí, cá biệt tại một số cơ quan, đơn vị, những người tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với công việc còn bị xem là "có vấn đề", chịu những ánh mắt soi mói của đồng nghiệp. Tất nhiên ở những nơi đó, hiệu quả công việc thường không cao; những tiêu cực, tham nhũng rất dễ nảy sinh, bởi đơn giản cái xấu, tư tưởng xấu đang lấn át cái tốt, gương tốt...

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phân tích: Thi đua trước hết không phải vì khen thưởng, nhưng làm tốt việc khen thưởng thì sẽ kích thích phong trào thi đua tốt hơn. Có thi đua tốt, hiệu quả thiết thực thì mới được khen thưởng. Có lựa chọn đúng những lá cờ đầu, những điển hình tiên tiến để khen thưởng kịp thời, chính xác thì khen thưởng mới có tác dụng.

Tất cả điều đó cho thấy, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời gian qua, mặc dù còn một số hạn chế nhưng nhìn ở bình diện chung, công tác thi đua trên cả nước đã có chuyển biến theo hướng rất tích cực. Kết quả đó cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Để phong trào thi đua và công tác khen thưởng phát huy tác dụng trong đời sống xã hội, nhân lên được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho phong trào thực sự phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, trước hết từng cá nhân, từng cơ quan, đơn vị, từng cấp, từng ngành phải có nhận thức đúng đắn về phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Từ đó mới có thể chuyển hóa thành quan điểm và hành động trong từng cương vị, công việc cụ thể, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi người, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.