Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất cập công tác phòng cháy ở khu dân cư

Mai Hữu| 02/10/2020 06:11

(HNM) - Ngoài ý thức chủ quan, lơ là của người dân, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập, dẫn tới nguy cơ về cháy, nổ tại các khu dân cư trên địa bàn Hà Nội vẫn ở mức cao. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, tăng cường phòng cháy, chữa cháy là những giải pháp quan trọng đang được cơ quan chức năng triển khai.

Xử lý đám cháy trong buổi diễn tập phòng cháy, chữa cháy ở một khu dân cư trên địa bàn phường Giảng Võ (quận Ba Đình).

Nhiều nguy cơ tại khu dân cư

Theo điều tra của Công an thành phố Hà Nội, có 74 khu dân cư thuộc diện nguy hiểm về cháy, nổ trong tổng số 7.099 khu dân cư trên địa bàn thành phố. Quận Nam Từ Liêm là địa bàn có nhiều khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao khi có nhiều nhà xưởng nằm xen lẫn nhà dân.

Thiếu tá Nguyễn Đình Lương, cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Nam Từ Liêm) cho biết, nhận thức của nhiều người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, lơ là dẫn đến chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. “Khi tiến hành kiểm tra, nhiều người dân, công nhân loay hoay mãi mới mở được chốt của bình chữa cháy”, Thiếu tá Nguyễn Đình Lương nêu thực trạng.

Ông Hoàng Bách Tuân, chủ một nhà xưởng ở phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cho biết, cơ sở liên tục thay công nhân nên có tình trạng người vừa được tập huấn phòng cháy, chữa cháy xong lại chuyển sang làm ở nơi khác, người mới đến thì chưa được tập huấn, không nắm được quy định.

Theo Thiếu tá Vũ Đình Chiến, Phó Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội), trên địa bàn thành phố có một số loại hình nhà ở trong khu dân cư có nguy cơ cháy cao nhưng chưa được quy định cụ thể trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, như nhà ở nhiều căn hộ quy mô nhỏ (chung cư mini), nhà trọ… Loại hình này tập trung nhiều tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.

Chủ tịch UBND phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) Đinh Văn Hải cho biết, nhiều chung cư mini, nhà trọ nằm xen trong khu dân cư, hệ thống phòng cháy, chữa cháy sơ sài, thậm chí không có trong thiết kế, trong khi mật độ cư dân đông nên nguy cơ cháy, nổ luôn thường trực.

Công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy cũng tồn tại một số hạn chế. Báo cáo số 264/BC-UBND ngày 16-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 103/KH-UBND về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố nêu rõ, thành phố chưa hoàn thành việc vận động, di dời những cơ sở sản xuất, kho hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư, đồng thời chưa ban hành quy định, biện pháp xử lý đối với các nhà chuyển đổi công năng.

Tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng dân phòng trên địa bàn huyện Thanh Trì. Ảnh: Tiến Thành

Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố), 8 tháng năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 268 vụ cháy, trong đó nơi xảy ra cháy nhiều nhất là nhà dân, nhà kho, xưởng sản xuất trong khu dân cư, với 189 vụ (chiếm hơn 70%). Thực tế này cho thấy, rất cần sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng trong tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, đi đôi với kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về giải pháp phòng cháy, chữa cháy, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng cho biết, với nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 là phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, 14 phường trên địa bàn quận đã thực hiện diễn tập chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn vào buổi tối tại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao.

Thiếu tá Trần Khắc Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Thanh Trì) cho biết, bên cạnh việc liên tục tổ chức các lớp tập huấn về phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, đơn vị rà soát, phá dỡ các bục bệ, rào chắn tại các khu đông dân để bảo đảm phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận nếu xảy ra sự cố cháy, nổ.

Đối với các chung cư mini, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy cho rằng, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, đồng thời khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin về công trình để tránh rủi ro khi mua loại hình nhà ở này.

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, nhằm hạn chế tối đa các sự cố cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra tại khu dân cư, Công an thành phố đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương bảo đảm sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, tổ chức ứng trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin về chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, công an các quận, huyện, thị xã duy trì và thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, bảo đảm 100% khu dân cư được lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập công tác phòng cháy ở khu dân cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.