(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất”. Thẩm thấu lời dạy của Người, suốt 90 năm qua, đội ngũ cán bộ tuyên giáo luôn kiên định bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
1. Chỉ 6 tháng sau khi Đảng ra đời, tháng 8-1930, ngành Tuyên giáo được thành lập. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo, ngành Tuyên giáo đã tuyên truyền những giá trị cốt lõi trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng, đưa những thông điệp đầu tiên của một chính Đảng cách mạng đến với lòng dân, vận động nhân dân đi theo Đảng. Cao trào cách mạng 1930-1931 cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo đấu tranh chống thực dân, phong kiến, thể hiện tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam.
Giai đoạn 1930-1945, ngành Tuyên giáo tiếp tục là cầu nối đưa lý luận của Đảng về cách mạng dân tộc, dân chủ ngày càng thấm sâu, làm cho đảng viên và quần chúng yêu nước nhận thức được rằng, muốn mang lại tự do cho bản thân và đồng bào mình thì trước hết phải giành lại độc lập dân tộc. Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo. Ngay sau đó, ngành Tuyên giáo tiếp tục cổ vũ, động viên, khích lệ lòng yêu nước, ý thức tự lực tự cường dân tộc, từng bước đánh bại “giặc đói”, “giặc dốt”; đồng thời chủ động bước vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đi tới đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Tiếp đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là bản trường ca bất hủ về một dân tộc Việt Nam kiên trung, bất khuất. Trong các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của thắng lợi vẻ vang này, có một nguyên nhân trước tiên là sự kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; đó là thắng lợi của tinh thần yêu nước, sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Ngành Tuyên giáo đã lan tỏa được chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào mọi người dân yêu nước, hun đúc chí khí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, cách mạng Việt Nam đứng giữa ngã ba đường: Tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội thì không khéo sẽ rơi vào ngõ cụt như Liên Xô và các nước Đông Âu; hoặc từ bỏ con đường đã chọn ngay từ khi có Đảng để rẽ sang con đường tư bản chủ nghĩa (điều này Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đã khước từ ngay trong quá trình chuẩn bị thành lập và từ văn kiện đầu tiên của Đảng); hoặc rơi tự do vào khủng hoảng và tiêu vong. Giữa bão tố chưa từng có đó, ngành Tuyên giáo đã kiên trì đấu tranh chống hữu khuynh, chủ quan, mất cảnh giác cách mạng, động viên toàn dân khắc phục khó khăn, tìm cơ chế quản lý mới phù hợp với điều kiện của đất nước; mở lối tư tưởng theo hướng “đổi mới nhưng không đổi màu”. Những kết quả to lớn đạt được trong gần 35 năm đổi mới đất nước có ý nghĩa lịch sử to lớn, là cuộc cách mạng toàn diện của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có sự cống hiến của ngành Tuyên giáo luôn đi trước - mở đường cho tư duy đổi mới.
Có thể khẳng định, 90 năm qua, ngành Tuyên giáo đã hoàn thành sứ mệnh đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành lý luận cách mạng chân chính nhất, cách mạng nhất cho con đường giải phóng dân tộc Việt Nam, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
2. Để lịch sử Việt Nam tiếp tục hướng đi đã chọn, ngành Tuyên giáo phải là lực lượng xung kích đấu tranh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng trong tình hình mới vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, với những nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần phải tuyên truyền, giáo dục, khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cách đây 100 năm là sự lựa chọn của lịch sử; phù hợp với xu thế của thời đại; đã được kiểm nghiệm qua 90 năm đấu tranh cách mạng. Đến nay các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam đều chấp nhận vị thế cầm quyền của Đảng ta. Giữa rất nhiều luồng tư tưởng đang bị các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị ra sức thúc đẩy, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là dòng chảy chủ đạo trong đời sống tư tưởng chính trị của Việt Nam.
Thứ hai, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có sức sống lâu bền trong dòng chảy cách mạng Việt Nam chính là ở sự vận dụng sáng tạo, sự hoàn thiện, bổ sung và phát triển không ngừng về lý luận. Vì thế, việc chú trọng nghiên cứu những vấn đề mới, phức tạp phát sinh từ thực tiễn, cung cấp cơ sở lý luận, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn ở tầm khái quát lý luận là nhiệm vụ phải được đặt ra thường xuyên hơn. Tổng kết 35 năm đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991) để Đảng nhìn lại một chặng đường sáng tạo lý luận cho cách mạng Việt Nam, từ đó, nâng cao tầm tư duy chiến lược hướng tới mục tiêu xây dựng thành công một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thứ ba, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó ngành Tuyên giáo đóng vai trò chủ lực. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có nhiều chuyển biến quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển bền vững. Việc tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách mới đã được nâng cao chất lượng, bảo đảm tính dự báo, phát hiện, hiến kế có cơ sở lý luận và thực tiễn; đồng thời không ngừng đổi mới học tập, quán triệt, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết nghị quyết, nên sức sống các nghị quyết của Đảng được nâng lên rõ rệt. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được kiên trì, sáng tạo, mang đến cho hệ thống chính trị và toàn xã hội những suy nghĩ và hành động tốt đẹp, trong sáng. Văn hóa, văn nghệ, báo chí, các lĩnh vực khoa giáo… tiếp tục chuyển biến tích cực, góp phần đưa đất nước phát triển và hội nhập thành công. Đặc biệt, kể từ sau khi Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” được ban hành, ngành Tuyên giáo đã đổi mới phương thức, kết nối lực lượng tạo thành thế trận nhiều tầng, nhiều lớp, đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước.
… Tiếp nối lịch sử hào hùng, đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo nguyện giữ mãi ngọn đuốc thiêng trong lòng dân son sắt với Đảng; nuôi dưỡng khát vọng dân tộc Việt Nam trường tồn, phát triển.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.