(HNM) - Nắng nóng gay gắt kéo dài tại thành phố Hồ Chí Minh khiến trẻ em phải đi khám bệnh và nhập viện liên quan đến các bệnh như hô hấp, tiêu hóa... gia tăng đột biến.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhi đến khám, trong đó phần lớn bị các bệnh viêm đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số bệnh nhi đến khám và nhập viện những ngày qua cũng tăng lên đáng kể, trong đó bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói tăng cao... Tương tự, tại bệnh viện tuyến quận, huyện như Bệnh viện Quận 2, hơn 1 tháng nay, trẻ em nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến viêm phổi, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa, tăng từ 10 đến 12% so với thời điểm trước đó.
Có con đang nằm điều trị bệnh rối loạn tiêu hóa tại Bệnh viện Nhi đồng 2, vợ chồng chị Lê Thị Điệp, ngụ tại huyện Bình Chánh cho biết, mấy ngày trước, khi đưa con đi chơi về thì thấy cháu có biểu hiện khác thường như: Buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy vào ban đêm. Qua thăm khám và điều trị, đến nay, tình trạng sức khỏe của cháu đã tốt dần lên. “Rất có thể do đi chơi trong thời tiết nắng nóng, cộng với việc ăn uống thiếu khoa học nên cháu nhà tôi mới bị bệnh...”, chị Điệp chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân trẻ nhập viện gia tăng, bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím, sức đề kháng của trẻ em giảm. Cụ thể, đầu tiên trẻ dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt là các bệnh lý về hô hấp. Thời tiết nắng nóng cũng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, nếu trẻ ăn phải dễ dẫn đến các bệnh về đường ruột...
Ngoài các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố có 2.168 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 450 trẻ phải nhập viện điều trị, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Để phòng bệnh thời gian tới, cơ quan chức năng cần tiếp tục giám sát và xử lý ổ dịch bệnh hiệu quả; tổ chức truyền thông trong trường học và cộng đồng; tăng cường thực hiện vệ sinh và khử khuẩn thường xuyên trong trường mầm non, nhóm trẻ, khu vui chơi, sinh hoạt của trẻ.
Theo bác sĩ Lê Thị Hoa, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Quận 2), các bậc cha mẹ không nên chủ quan với các biểu hiện của trẻ như ho, sốt, sổ mũi, để lâu sẽ khiến bệnh tình nặng hơn. Nếu sốt cao 2-3 giờ mà nhiệt độ vẫn 39-40°C dù đã uống thuốc hạ sốt, kèm theo các triệu chứng nôn ói, mệt mỏi... thì nên cho trẻ đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không được tự ý điều trị hay mua thuốc cho trẻ uống khi không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ Lê Thị Hoa cũng lưu ý, thời tiết nắng nóng hiện nay, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế đưa trẻ ra đường khi nắng nóng trên 30°C, tránh để trẻ bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe, mọi người cần tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn uống đủ dinh dưỡng và uống nhiều nước. Cùng với đó, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin để bảo vệ sức khỏe cho con em mình một cách tốt nhất...
UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa giao Sở Y tế phối hợp với UBND các quận, huyện tiến hành rà soát, thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng để triển khai tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ em đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ diễn biến của bệnh sởi, ngăn chặn không để dịch lây lan rộng... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.