(HNMO) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngày mai (30-1), người dân trở lại công việc và học sinh sẽ trở lại trường học. Tuy nhiên, nhiều người đang lo ngại về việc bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới corona (nCoV).
Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trong trường học
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV, để đón học sinh quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, ngày 29-1 - ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trong trường học.
Ghi nhận chung tại các trường học trong ngày 29-1 cho thấy, các trường đều đã tổ chức vệ sinh toàn bộ khuôn viên, lau chùi bàn ghế, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xịt rửa bồn cây, cọ rửa hệ thống bếp ăn, nhà vệ sinh…
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lê, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cho biết: Sau khi có Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh nCoV, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã triển khai toàn bộ nội dung Chỉ thị tới Ban giám hiệu các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Các nhà trường có trách nhiệm chủ động tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc đơn vị mình về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV và các dịch bệnh mùa đông xuân khác. Đồng thời, Phòng cũng yêu cầu các nhà trường tuyên truyền tới phụ huynh học sinh để cùng thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho con em mình và cho gia đình, cộng đồng.
“Riêng với các trường mầm non và tiểu học có tổ chức bếp ăn bán trú, chúng tôi yêu cầu các đơn vị ngay trong ngày 29-1 phải hoàn thành việc vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khu vực bếp, các dụng cụ nấu và khay ăn của học sinh. Các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em mầm non cũng được vệ sinh và khử trùng sạch sẽ, sẵn sàng đón học sinh quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết”, bà Nguyễn Thị Tuyết Lê thông tin.
Còn theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, là đơn vị có quy mô giáo dục khá lớn trong các quận, huyện, thị xã, Phòng đã triển khai tới tất cả trường học trên địa bàn toàn bộ nội dung của Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh nCoV. Ngoài việc thực hiện tổng vệ sinh cơ sở vật chất trường, lớp học, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ còn yêu cầu các nhà trường rà soát lại toàn bộ quy trình cung ứng thực phẩm phục vụ bữa ăn bán trú cho học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiên quyết không để thực phẩm không rõ nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng được sử dụng trong trường học.
Tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông), chiều 29-1, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đã có mặt để tổng vệ sinh toàn bộ khuôn viên nhà trường và các trang thiết bị dạy học. Bà Lê Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường có gần 93% trong tổng số hơn 1.200 học sinh ăn bán trú tại trường. Bởi vậy, một trong những phần việc được nhà trường chú trọng ngay từ ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại là bảo đảm an toàn bữa ăn bán trú. Cho đến thời điểm hiện tại, bộ phận phục vụ bếp ăn đã hoàn thành việc dọn vệ sinh khu vực nấu ăn và các tủ chứa thực phẩm, dụng cụ nấu. Toàn bộ khay ăn, thìa, đũa… cũng được khử trùng, bảo đảm an toàn cho học sinh. Nhà trường cũng đã kiểm tra nguồn nước sạch; thay toàn bộ bình nước mới trong các lớp học…".
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 29-1, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, trước Tết Nguyên đán, Sở đã ra văn bản nhắc các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã triển khai toàn bộ nội dung Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhắc nhở các nhà trường chủ động tổng vệ sinh trường, lớp học, bếp ăn bán trú, trang thiết bị dạy học… để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết.
Trong những ngày trời rét, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng lưu ý các nhà trường không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục; hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời… Việc tổ chức đưa học sinh đi dã ngoại, đến nơi đông người… phải có sự chấp thuận của Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Với các trường có tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh, Sở yêu cầu các đơn vị ngay trong buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết phải tuyên truyền, nhắc nhở học sinh giữ vệ sinh, lưu ý rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn…
Người dân chủ động mua khẩu trang phòng bệnh
Chiều 29-1, chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng thuốc ở phố Hoa Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, dù trong ngày nghỉ Tết nhưng rất đông khách mua khẩu trang. Có ngày cửa hàng của chị bán tới 200-300 chiếc khẩu trang.
Tại cửa hàng thuốc trên phố Phương Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Dương Kim Dung (40 tuổi sinh sống ở phố Phương Mai) đang tìm mua khẩu trang y tế. Chị Dung cho biết: “Trước thông tin về dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp, tôi phải đi tìm mua khẩu trang y tế loại N95 để phòng dịch bệnh cho cả gia đình, nhất là cho 2 con gái ngày mai đến trường”.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, giá các loại khẩu trang đều tăng cao, khẩu trang y tế thường được bán với giá 30.000-40.000 đồng/hộp nay đã tăng tới 80.000-120.000 đồng/hộp. Các loại khẩu trang sợi hoạt tính khác, như: Kissy, Kari Bon, Kitty, Anvilife, Leo… cũng đồng loạt tăng giá, từ 30.000-60.000 đồng/chiếc. Nhiều người cũng tìm mua khẩu trang y tế phòng chống dịch N95 có giá từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc, thậm chí có sản phẩm lên đến gần 100.000 đồng/chiếc.
Không chỉ tại các cửa hàng, ngay trên mạng xã hội, thị trường khẩu trang cũng nhộn nhịp không kém. Nắm bắt tâm lý nhiều người dân tìm mua các loại khẩu trang đắt, nhập khẩu... để phòng bệnh, nhiều trang web, địa chỉ trên mạng xã hội Facebook đã rao bán các loại khẩu trang phòng chống nCoV với các mức giá khác nhau tùy công dụng và xuất xứ. Ngay trên một trang web bán hàng Đức còn rao nhận đặt khẩu trang 3M-9322 của Đức phòng chống nCoV với giá 185.000 đồng/chiếc…
Trước thực tế trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, người dân không nên quá hoang mang và phải biết cách phòng bệnh. Đó là không tiếp xúc với những người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ viêm phổi và cả những bệnh khác. “Nếu có tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang để hạn chế bị lây bệnh. Hơn nữa, nếu bản thân có bệnh cũng giảm sự phát tán những giọt chất lỏng chứa mầm bệnh vào không khí, giúp phòng bệnh cho người xung quanh. Còn nếu không có khẩu trang thì đơn giản là dùng tay che miệng, nhất là khi ho và hắt hơi”, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khẩu trang y tế thông thường đủ khả năng phòng ngừa nCoV. Các loại khẩu trang chuyên dụng như N95 và quần áo bảo hộ chỉ dùng cho nhân viên y tế làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh hoặc cho người đi vào vùng dịch, nơi cách ly bệnh nhân, nghi ngờ có vi rút gây bệnh. Hơn nữa, khẩu trang N95 được thiết kế quá chặt có thể gây khó thở cho mọi người. Ngoài ra, người dân không cần mua thuốc xịt hay các loại chất tẩy rửa chuyên dụng, khẩu trang đặc biệt vì tốn kém và không cần thiết. “Chỉ cần vệ sinh nhà cửa bằng chất tẩy rửa thông thường cũng giúp phòng dịch bệnh và các chủng corona vi rút”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Để phòng bệnh hiệu quả, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương khuyến cáo, người dân cần tuân thủ tốt các hướng dẫn của Bộ Y tế, bao gồm: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, những người trở về từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người đã nghi ngờ có viêm phổi do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi xuất hiện dịch bệnh, nếu cộng đồng có tình trạng hoảng loạn sẽ làm rối loạn xã hội và cản trở tất cả các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, việc thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về nguy cơ lây nhiễm bệnh bên cạnh việc bình tĩnh phối hợp với ngành Y tế cũng là một biện pháp quan trọng để khống chế dịch bệnh hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.