(HNM) - Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà gắn liền với đất (giấy chứng nhận) tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn. Tuy nhiên, có một thực tế là, với các dự án có sai phạm về mật độ xây dựng, sai quy hoạch thiết kế, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc chưa bàn giao quỹ nhà theo quy định, tự ý chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư thứ cấp… thì việc này vẫn bị đình trệ.
Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường hiện còn 29.071 căn hộ nằm trong 135 dự án chưa được cấp giấy chứng nhận khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, có không ít dự án, người mua nhà đã nộp 95% đến 100% giá trị căn hộ và về sinh sống ổn định, nhưng qua nhiều năm vẫn không được xem xét cấp giấy chứng nhận. Những trường hợp này lỗi chủ yếu thuộc về chủ đầu tư dự án, người dân đã nhiều lần đề nghị được cấp giấy chứng nhận, gây sức ép không nhỏ lên cơ quan quản lý và nguy cơ mất an ninh trật tự địa bàn.
Bên cạnh đó còn là nguyên nhân hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai có nhiều điểm chưa đồng bộ trong việc xử lý các phần công trình xây dựng sai phép, sai thiết kế được duyệt; nổi lên là thiếu hướng dẫn cụ thể việc nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện thủ tục đối với phần diện tích này. Một số dự án việc đề xuất xử lý gặp nhiều khó khăn vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, UBND thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tìm giải pháp. Quan điểm của hai bộ đều ủng hộ, tạo điều kiện, hướng dẫn, giúp đỡ thành phố và các sở, ngành chức năng; những nội dung vượt thẩm quyền sẽ đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Như vậy, quyết tâm của thành phố Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của các cơ quan trung ương. Để thúc đẩy việc cấp giấy chứng nhận, trước hết trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố cần tiếp tục tập trung, rà soát, phân loại các loại hình vi phạm tại từng dự án cụ thể để từ đó đề xuất giải pháp xử lý thích hợp. Việc giải quyết các vướng mắc trên nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn. Theo đó, cơ quan chức năng cần làm rõ vi phạm, tồn tại, trách nhiệm của các bên liên quan; có phương án xử lý, khắc phục vi phạm, tồn tại cụ thể; xác định việc thu nghĩa vụ tài chính (nếu có) và trách nhiệm của đơn vị nộp nghĩa vụ tài chính bảo đảm không thất thoát, thất thu ngân sách; giải quyết việc cấp giấy chứng nhận bảo đảm lợi ích của các hộ dân mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, bảo đảm lợi ích của Nhà nước trước, sau đó mới xem xét đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Bên cạnh giải quyết các tồn tại, vướng mắc hiện nay, cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hướng vào hai mục đích. Thứ nhất thông tin rộng rãi để những người có nhu cầu mua nhà biết đầy đủ thông tin về dự án trước khi lựa chọn, quyết định; đồng thời thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc tiến hành các giao dịch. Thứ hai là công khai, minh bạch các thông tin về những chủ đầu tư vi phạm các quy định của pháp luật, các dự án đang có vướng mắc, sai phạm… để tránh những hệ lụy tương tự có thể xảy ra.
Việc chủ đầu tư vi phạm dẫn tới cơ quan chức năng chưa cấp giấy chứng nhận, hơn ai hết chính người mua nhà tại dự án phải chịu thiệt thòi vì sự chậm trễ này. Bởi vậy, dư luận rất mong việc tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc sẽ được đẩy nhanh tiến độ để việc cấp giấy chứng nhận cơ bản xong trong năm 2020, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.