Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn và lan tỏa giá trị

Bắc Vũ| 24/05/2020 06:05

(HNM) - Bắt đầu thực hiện từ năm 2012, chương trình giáo dục di sản đang ngày càng khẳng định tính hiệu quả và được phổ biến rộng khắp tại nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Thủ đô. Qua đó góp phần tạo dựng thương hiệu cho các điểm đến, thu hút đông đảo du khách tham quan.

Trước hết cần nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội - mảnh đất hơn nghìn năm tuổi đang sở hữu kho tàng di sản văn hóa, lịch sử phong phú về loại hình, đồ sộ về giá trị. Thế mạnh này là điều kiện để nhiều di tích ở Thủ đô thực hiện chương trình giáo dục di sản thông qua những hình thức mới, bảo đảm tính thiết thực, gắn với các sự kiện lịch sử, nét văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội.

Đặc biệt, việc thực hiện tốt chương trình giáo dục, trải nghiệm di sản vừa là sân chơi lành mạnh, vừa là phương pháp giáo dục học sinh, sinh viên tìm hiểu lịch sử, văn hóa cội nguồn dân tộc một cách gần gũi, sinh động. Hơn nữa, đây còn là một trong những giải pháp quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thăng Long - Hà Nội, đồng thời giúp di sản “sống” được trong cộng đồng.

Làm tốt hơn, đổi mới hơn chương trình giáo dục di sản đang là mục tiêu của các di tích trên địa bàn Thủ đô để tăng sức hút, tạo sức sống mới cho các di sản. Do đó, yêu cầu rất quan trọng là phải bảo đảm tính tương tác trong quá trình thực hiện. Việc này, trước hết cần xuất phát từ yêu cầu thực tế để tính toán hình thức cũng như nội dung chương trình muốn triển khai, bảo đảm thiết thực, phù hợp từng lứa tuổi. Ví như, trẻ em thường thích những hoạt động khám phá qua trò chơi dân gian, sáng tạo; đối tượng lớn hơn có thể tham gia những hoạt động mang tính chất khám phá kiến thức, trải nghiệm... Điều quan trọng, làm sao để vừa phát huy được nét đặc sắc từng di sản, vừa đáp ứng yêu cầu tìm hiểu của khách tham quan.

Các di tích cũng cần xác định việc giáo dục kiến thức lịch sử, di sản phải là một trong những hoạt động thường xuyên của đơn vị. Bởi, chỉ khi hiểu biết được giá trị, thì du khách mới yêu và có ý thức gìn giữ di sản.

Hoạt động giáo dục di sản cũng phải mang tính lâu dài, không thể “ăn xổi”, chỉ tổ chức một hai lần rồi thôi, mà cần sự đầu tư, tổ chức “dài hơi” của đơn vị quản lý. Muốn vậy, sự hợp tác giữa đơn vị quản lý di tích và các trường học phải được đẩy mạnh để cùng tìm hiểu nhu cầu của từng đối tượng, từ đó hình thành nội dung, hình thức thể hiện chương trình sao cho hấp dẫn. Các đơn vị cũng cần phối hợp với các chuyên gia, nhà sử học để xây dựng chuyên đề học tập lịch sử tại khu di tích phù hợp.

Công tác truyền thông, quảng bá cần được chú trọng hơn, đa dạng kênh thông tin, để sinh viên, học sinh và công chúng tiếp cận nhanh nhất… Đặc biệt, cần định kỳ đánh giá kết quả thực hiện chương trình, tổng hợp thông tin phản hồi, ý kiến đóng góp của các đối tượng phục vụ nhằm từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng tổ chức các chương trình.

Các đơn vị cũng cần có chính sách phù hợp để thu hút đội ngũ cộng tác viên, đồng thời đào tạo nhân sự chuyên sâu về giáo dục di sản. Việc này đặc biệt quan trọng, bởi có nguồn nhân lực tốt là cơ sở cho các đơn vị thực hiện những chương trình có tính sáng tạo, đổi mới và bám sát đời sống xã hội.

Chương trình giáo dục di sản không chỉ giúp bảo tồn cốt lõi bản sắc dân tộc, mà còn là cơ sở để sáng tạo giá trị mới. Do đó, cách làm mang tính chuyên nghiệp, bài bản sẽ là điều kiện cần thiết để di sản lan tỏa giá trị trong đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn và lan tỏa giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.