Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn di sản... từ cộng đồng

Nguyễn Thanh| 30/10/2021 06:29

(HNM) - Được xác định là chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể, cộng đồng không chỉ là nơi sáng tạo, mà còn giữ vai trò chủ chốt trong làm giàu, phát huy giá trị di sản trong đời sống xã hội. Những cách làm hay của nhiều cộng đồng, người dân nắm giữ di sản thời gian qua cho thấy hướng bảo tồn, phát huy giá trị này cần tiếp tục được động viên, quan tâm hơn nữa từ nhiều phía.

Các nghệ nhân trong Phường rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) chuẩn bị đạo cụ để luyện tập.

Miệt mài sáng tạo, trao truyền           

Những ngày này, các nghệ nhân trong Phường rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) đang ráo riết tập tích trò mới để nhanh chóng ra mắt công chúng trong thời gian sớm nhất khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Tích trò có tên “Huyền thoại thành Cổ Loa”, thuật lại sự tích An Dương Vương xây thành, đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc.

Theo Trưởng phường rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị, đây là một trong những vở diễn được dàn dựng kỳ công nhất với số lượng quân trò lớn, nghệ nhân tham gia biểu diễn rất đông. Đặc biệt, vở diễn đã làm sống dậy một sự tích tiêu biểu về truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, gắn với nhân dân địa phương. “Với vở diễn này, lớp nghệ nhân Phường rối Đào Thục mong muốn phát huy sức sáng tạo, làm giàu cho di sản quê hương, góp phần tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử nước nhà”, anh Nguyễn Thế Nghị bày tỏ.

Cũng với tâm niệm gìn giữ, làm giàu di sản văn hóa, thời gian này, Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên) vẫn miệt mài với lịch rèn ca, luyện phách trong lớp ca trù dành cho lứa đào nương trẻ.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn Nguyễn Thị Ngoan cho biết, Chanh Thôn là một trong những cái nôi ca trù của vùng Sơn Nam Thượng, song cũng khó tránh khỏi những thăng trầm của lịch sử, khiến di sản đối diện nguy cơ mai một. Lo lắng cho tương lai của ca trù, bà Ngoan đã tìm gặp các nghệ nhân, ghi chép lại những câu ca, thể cách, vận động những người cao niên tham gia trao truyền di sản.

“Với tâm niệm, phải tranh thủ thật nhanh trước khi những kho báu cuối cùng về nơi thiên cổ, sau nhiều năm miệt mài, ca trù Chanh Thôn đã có được hy vọng mới, với đông đảo thành viên tham gia câu lạc bộ và riêng lứa đào nương trẻ đã có 13 người ghi danh”, bà Ngoan chia sẻ.

Ca nương trẻ Nguyễn Khánh Ly tâm sự: “Mọi người bảo ca trù cổ, dành cho người già nhưng tôi lại rất thích, thấy cuốn hút từ lời ca lẫn âm điệu”. Sau 6 năm theo đuổi ca trù, đến nay, Nguyễn Khánh Ly đã thành thạo những thể cách cơ bản, dần tiếp cận với những thể cách khó hơn.

Cùng với Nguyễn Khánh Ly, ca trù Chanh Thôn còn có nhiều bạn trẻ khác, như các ca nương: Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Thủy Tiên..., đang mỗi ngày một vững vàng hơn qua những buổi học ca trù.

Tiếp sức cộng đồng bảo tồn di sản

Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, thành phố đang sở hữu 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, với đa dạng loại hình, trong đó có nhiều di sản được công nhận là Di sản văn hóa thế giới; được ghi vào danh mục Di sản văn hóa quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào, song cũng là thách thức không nhỏ cho Hà Nội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại.

Thực tế công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố thời gian qua chứng minh, cách thức bảo tồn di sản tốt nhất, bền vững nhất là bắt nguồn từ cộng đồng người dân - chủ thể của di sản đó. Nơi nào có nhận thức tốt về giá trị di sản, nơi đó có kết quả bảo tồn hiệu quả. Đặc biệt, nhiệm vụ này cần có sự kết hợp, gắn bó mật thiết giữa cộng đồng với các cấp quản lý trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cộng đồng là những người nắm giữ di sản, nên có vai trò quan trọng nhất trong hoạt động bảo tồn. Cộng đồng cần nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình và cam kết tự nguyện bảo vệ di sản, tự giác đóng góp cho công tác bảo tồn. “Để cộng đồng phát huy vai trò tốt hơn, còn cần có sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ của các cấp chính quyền và các bên liên quan với các hoạt động thiết thực, hiệu quả để cộng đồng thêm gắn bó với di sản”, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý nêu.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, hằng năm, ngành Văn hóa Thủ đô đều tổ chức các hoạt động hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, như: Đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí truyền dạy; tổ chức liên hoan, trình diễn di sản văn hóa; thực hiện kiểm kê, tư liệu hóa di sản…

“Tuy nhiên, di sản văn hóa phi vật thể là những di sản “sống”, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến đổi, nên cần có sự vào cuộc sát sao hơn nữa của chính quyền các địa phương, sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của ngành Văn hóa. Qua đó kịp thời tư vấn, hỗ trợ người dân thực hành, trao truyền, quảng bá di sản một cách hiệu quả”, bà Phạm Thị Lan Anh thông tin thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn di sản... từ cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.