Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng tư nhân - Mở ra rồi... để đó?

Thanh Thuỷ| 23/07/2017 07:12

(HNM) - Mặt bằng hạn chế, nguồn vốn eo hẹp, hoạt động chưa chuyên nghiệp… là những khó khăn của không ít bảo tàng tư nhân trên địa bàn Hà Nội hiện nay...

Khách tham quan Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội).Ảnh: Bá Hoạt


Lực bất tòng tâm

Hơn 10 năm qua, bộ sưu tập 1.000 bức tranh quý của Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ (Sài Sơn, Quốc Oai) phải tự “xoay sở” trong phần diện tích trưng bày nhỏ hẹp, chỉ chưa đầy 500m2 và cũng là nơi chủ nhân bảo tàng, nhà sưu tầm, họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ sinh sống. Do thiếu mặt bằng trưng bày nên ước mong mở rộng bộ sưu tập tranh, để công chúng có thêm cơ hội thưởng lãm những giá trị mỹ thuật đương đại của họa sĩ ít nhiều bị hạn chế. Việc đổi mới hoạt động trưng bày của phòng tranh bảo tàng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, được như thế vẫn là ước mơ của không ít người đang theo đuổi đam mê giới thiệu, trưng bày hiện vật.

Đơn cử, bộ sưu tập “Cổ vật gắn liền nghìn năm Thăng Long - Hà Nội” của Bảo tàng Cổ vật Tràng An có địa chỉ đăng ký ở Trung Kính (Trung Hòa, Cầu Giấy), nhưng gần mươi năm nay vẫn phải “ở nhờ” tại Bảo tàng Hà Nội do chưa có mặt bằng trưng bày. Ông Vũ Văn Tấn, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Tràng An cho biết, với số lượng tư liệu, hiện vật đồ sộ, trải dài suốt nghìn năm lịch sử, Bảo tàng Cổ vật Tràng An cần có không gian chừng 4.000m2 để trưng bày. Tuy nhiên, khó khăn này vẫn chưa có cách nào tháo gỡ...

Bảo tàng Ký ức chiến tranh

Hà Nội, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Bảo tàng Nghệ thuật hồn đất Việt Bát Tràng... cũng đang gặp khó về mặt bằng trưng bày, hiện vật phải chen chúc trong không gian chật hẹp, mà số lượng hiện vật vẫn không ngừng tăng lên. Trước thực trạng chung này, một số nhà sưu tầm có dự định mở bảo tàng tư nhân băn khoăn: Quy định diện tích tối thiểu cho một bảo tàng là 1ha đang gây khó cho người muốn thành lập bảo tàng tư nhân, bởi để có diện tích lớn như vậy nằm ở trung tâm tạo thuận lợi cho việc tham quan là “quá sức”, còn ra ngoại thành lại không có khách, không tránh khỏi tình trạng hoạt động lay lắt.

Không chỉ gặp khó về mặt bằng trưng bày, bảo tàng tư nhân còn gặp nhiều trở ngại khác như thiếu vốn, thiếu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm tổ chức hoạt động trưng bày, chưa có con dấu cũng như tài khoản riêng... Theo Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa, mỗi khi cần tổ chức hoạt động gì của bảo tàng, tôi đều phải sử dụng con dấu, số tài khoản của công ty sáng lập, rất thiếu chuyên nghiệp và cũng khó làm việc. Trong trường hợp chủ bảo tàng tư nhân khác không có công ty riêng, thì khó chồng thêm khó. Cũng theo bà Hòa, đa số bảo tàng tư nhân hiện nay chưa đáp ứng đủ những tiêu chí cơ bản và cần thiết của một thiết chế bảo tàng về cảnh quan, kiến trúc, những điều kiện về nhà trưng bày trong và ngoài trời, kho bảo quản, đội ngũ chuyên môn, bộ máy hành chính… Những khó khăn, hạn chế này khiến những người đam mê sưu tầm, trưng bày hiện vật, muốn tích cực đổi mới, tăng sức hút cho bảo tàng đành “lực bất tòng tâm”.

Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ.


Tránh “mở ra rồi... để đó”

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng chục bảo tàng tư nhân đang hoạt động như: Bảo tàng Tranh Nguyễn Tư Nghiêm (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm); Bảo tàng Nghệ thuật tỏa sáng (Phạm Hùng, Cầu Giấy); Bảo tàng Radio (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm); Bảo tàng Tiền tệ (Định Công, Hoàng Mai); Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Kim Chung, Hoài Đức)... Đa dạng về chủng loại, mảng màu, mỗi bảo tàng tư nhân mang một giá trị riêng, góp phần tạo nên bản sắc mới cho hoạt động bảo tàng trên cả nước.

Tuy nhiên, hầu hết bảo tàng này đều đang được duy trì nhờ tấm lòng của những người đam mê công việc sưu tầm, trưng bày hiện vật. Kiến thức trưng bày cùng nguồn vốn để “nuôi” bảo tàng còn hạn chế nên khó tránh khỏi hoạt động cầm chừng, thưa vắng khách tham quan. Chúng tôi tìm đến Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan (Kim Lan, Gia Lâm), dù trong giờ mở cửa nhưng cổng vẫn khóa im ỉm. Bảo tàng Ký ức chiến tranh Hà Nội (Phú Thượng, Tây Hồ) cũng không khá hơn, vắng bóng khách tham quan. Liên lạc với chủ nhân một số bảo tàng tư nhân khác trên địa bàn Hà Nội để biết thông tin về lượng người xem, chúng tôi chỉ nhận được những... nụ cười trừ!

Mặc dù phần lớn các bảo tàng ngoài công lập đang hoạt động tự phát, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa có bộ máy hoàn chỉnh, chưa biết liên kết với doanh nghiệp lữ hành để thu hút khách…, song những lợi ích mà bảo tàng tư nhân mang lại là không thể phủ nhận, làm phong phú thêm hoạt động bảo tàng, góp phần gìn giữ di sản, hạn chế tình trạng chảy máu cổ vật... Sự ra đời và phát triển ngày càng nhiều của bảo tàng tư nhân là xu thế tất yếu của mô hình hoạt động bảo tàng trong thời hội nhập.

Chính vì vậy, việc khuyến khích bảo tàng tư nhân phát triển, đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công chúng là rất quan trọng, cần sự chung tay, giúp sức của các cơ quan chức năng và hệ thống bảo tàng công lập. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam cho rằng, để bảo tàng tư nhân lớn mạnh, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống cũng như phát triển du lịch, mô hình này cần được đầu tư đầy đủ về đội ngũ hướng dẫn viên, bộ máy tổ chức, bồi dưỡng kiến thức, đổi mới hoạt động trưng bày...

Theo Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa, Nhà nước cần hỗ trợ hơn nữa cho bảo tàng ngoài công lập về vốn, mặt bằng trưng bày cũng như quá trình sưu tầm hiện vật; tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi những quy định phù hợp hơn để bảo tàng ngoài công lập phát triển mạnh mẽ, tránh tình trạng “mở ra rồi để đó”, gây lãng phí tiền của, tâm huyết của nhà trưng bày cũng như làm mất đi cơ hội tiếp cận, giao lưu văn hóa của công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng tư nhân - Mở ra rồi... để đó?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.