(HNM) - Những ngày gần đây, lực lượng hải quan đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu trang thiết bị y tế (TTBYT) cũ nát, nhưng được "phù phép" thành hàng mới nguyên chiếc để tránh bị kiểm tra, kiểm soát gây bức xúc trong dư luận.
Điều đáng nói, có những đơn vị đã nhập hàng chục chuyến hàng, bán trót lọt rồi mới bị phát hiện. "Góc khuất" của một lĩnh vực ít được biết đến nhưng lại có thể ảnh hưởng tới nhiều người dân đã được "phơi ra" cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Với những thiết bị xét nghiệm sinh hóa, máy scan... có tuổi thọ gần 20 năm, thậm chí đã bị dừng sản xuất từ năm 2005-2006 không ai bảo đảm rằng từ kết quả hoạt động của nó những chỉ định điều trị của bác sĩ sẽ không bị ảnh hưởng? Và đó có phải là những chủng loại thiết bị cuối cùng bị phát hiện hay không, khi điều kiện và khả năng kiểm tra của các cơ quan chức năng nước ta còn hạn chế? Các TTBYT cũ nhập lậu về được bán với giá thành chỉ bằng 1/4, 1/5 so với thiết bị mới và "có bao nhiêu, hết bấy nhiêu" cho thấy "thị trường ngầm" này ở góc độ nào đó đã qua mặt cơ quan chức năng.
Theo Điều 5 của Nghị định 12/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại thì TTBYT đã qua sử dụng là mặt hàng cấm nhập khẩu. Trên "giấy trắng, mực đen" là thế, nhưng theo một lãnh đạo của Hội Thiết bị y tế Việt Nam thì hiện nay quy định của pháp luật mới chỉ tập trung quản lý chất lượng đối với một số giai đoạn và một số loại sản phẩm TTBYT, chúng ta thiếu văn bản mang tính đồng bộ và thống nhất để quản lý mọi vấn đề liên quan đến lĩnh vực này: từ nguyên liệu sản xuất, hệ thống, quy trình sản xuất và thử nghiệm lâm sàng. Cách đây vài ngày, "người ta" đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia về dự thảo nghị định về quản lý TTBYT, nhưng từ việc lấy ý kiến đến khi ban hành, thực hiện ai cũng biết còn là chặng đường dài (chưa bàn đến chuyện văn bản đó có sát thực tế hay không)!
Đáng lưu ý, việc thành lập doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh TTBYT hiện nay có thể nói là quá dễ dàng. Doanh nghiệp chỉ cần có vốn pháp định 200 triệu đồng là có thể buôn bán TTBYT đủ loại. Thế nên việc khó quản lý những đơn vị cung cấp hàng hóa trong lĩnh vực này cũng dễ hiểu. Tham gia vào hoạt động này thường có các công ty "chân rết" chuyên làm nhiệm vụ "tút" lại các thiết bị cũ như mới trước khi mang ra thị trường tiêu thụ nhưng để "chỉ tận tay" những vi phạm lại là chuyện khác. Chưa kể chuyện Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu cho các công ty có đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư 24/2011/TT-BYT về việc hướng dẫn nhập khẩu TTBYT nhưng Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) lại là cơ quan duy nhất quản lý, công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo của các thiết bị. Và đây cũng chỉ là một trong nhiều lỗ hổng không nhỏ của khâu quản lý.
Với một nền công nghiệp chưa mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp y học thì việc hầu hết các TTBYT ở nước ta phải nhập khẩu là điều dễ hiểu. Chính vì thế, nếu không sớm có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh, thống nhất thì "thị trường ngầm" TTBYT đã qua sử dụng nhập lậu vẫn còn "đất sống" và hậu quả sẽ rất khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.