(HNMO) - Bộ Công Thương hôm nay (5-11) cho biết, cùng với việc theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, tổng hợp, đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đang theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.
Những ngày qua, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tiếp tục kiểm tra, khảo sát tình hình thị trường. Theo ghi nhận, nguồn cung hàng hóa cũng như giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 4-11, có 150/234 chợ truyền thống chính thức hoạt động. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, 3.020/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân. Ngoài ra, đến nay, đã có 2/3 chợ đầu mối hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; riêng tại chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh trong sáng 4-11 ước đạt 5.854,9 tấn/ngày. Tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng 4-11 giảm 11% so với ngày 3-11, ước đạt 2.268 tấn/đêm.
Tại các tỉnh: Đồng Nai, Bạc Liêu, Tiền Giang..., các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động bình thường bên cạnh một số ít chợ tạm đóng cửa một phần hoặc toàn bộ, tình hình cung ứng hàng hóa diễn ra ổn định.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định, dịch Covid-19 mặc dù đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp. Cung cầu các mặt hàng cũng đang có nhiều biến động, thị trường các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, khí đốt, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm từ nay đến cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có những biến động tiêu cực.
Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 của Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.
Nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp thương mại cho biết, sẽ tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, chủ động nguồn hàng, không để xảy ra khan hàng, sốt giá.
Hà Nội sẽ tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gồm gạo, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi. Các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, gồm nông, lâm, sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát. Mặt hàng hoa tươi, may mặc, điện máy cũng được các doanh nghiệp chú trọng dự trữ.
Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp với các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đưa nguồn hàng các tỉnh, thành phố về Thủ đô tiêu thụ. Tiêu biểu như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần với giá trị hàng hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.