Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm chất lượng khi điều chỉnh dạy học lịch sử

Thống Nhất| 19/07/2022 16:30

(HNMO) - Một trong những nội dung mới, thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch điều chỉnh môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, từ năm học 2022-2023, môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông sẽ bao gồm cả nội dung bắt buộc với tất cả học sinh và nội dung tự chọn dành cho học sinh có định hướng chuyên sâu. Ngành Giáo dục Hà Nội đang khẩn trương triển khai nội dung này với quyết tâm bảo đảm chất lượng ngay từ năm học đầu tiên.

 Ban giám hiệu, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) thảo luận về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, năm học 2022-2023. 

Bắt buộc 52 tiết/năm học 

Thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội, ngày 11-7-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch thực hiện điều chỉnh môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

So với kế hoạch đã ban hành trước đó, từ chỗ là môn học tự chọn ở cấp trung học phổ thông, môn lịch sử chuyển thành môn học có bao gồm cả nội dung bắt buộc (52 tiết/năm học) với tất cả học sinh và nội dung tự chọn dành cho học sinh có định hướng chuyên sâu ở môn học này. Rất nhiều phần việc đã, đang và sẽ được triển khai, gồm: Xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình; biên soạn, thẩm định tài liệu tập huấn thực hiện chương trình lịch sử bắt buộc; biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện môn lịch sử; tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán... 

Việc điều chỉnh môn lịch sử trước thời điểm năm học mới 2022-2023 đang cận kề khiến không ít người băn khoăn, lo lắng về việc chất lượng dạy học có thể bị ảnh hưởng. Giải tỏa mối lo này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai kế hoạch đã ban hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT. 

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc nghiên cứu để điều chỉnh chương trình môn lịch sử với phần bắt buộc 52 tiết/năm học không phải là chương trình được xây dựng mới từ đầu, mà được điều chỉnh, tinh giảm từ chương trình môn lịch sử 70 tiết/năm học đã được xây dựng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc thực hiện sẽ bảo đảm về tiến độ, chất lượng.

Thầy trò đều hào hứng

Quyết định điều chỉnh môn học lịch sử từ tự chọn thành bắt buộc với tất cả học sinh cấp trung học phổ thông, đồng thời vẫn có nội dung tự chọn dành cho những học sinh yêu thích môn học này và có mong muốn tìm hiểu chuyên sâu về lịch sử đã nhận được sự đồng thuận cao. Theo lộ trình, năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 trên cả nước sẽ bắt đầu học lịch sử theo phương án đã ban hành. 

Theo cô giáo Tạ Thị Ngọc Tú, giáo viên dạy môn lịch sử, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa), việc tổ chức dạy học môn lịch sử theo hướng bao gồm cả nội dung bắt buộc và tự chọn là phù hợp và cần thiết, khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của môn học này trong việc giáo dục, phát triển nhân cách cũng như các giá trị truyền thống đối với học sinh cấp trung học phổ thông. Với chương trình 52 tiết bắt buộc/năm học, học sinh có thể nắm được các kiến thức lịch sử cơ bản; nội dung nâng cao phù hợp với học sinh yêu thích, hứng thú tìm hiểu sâu về bộ môn... 

Em Trần Đức Anh, học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) hào hứng cho biết: "Em dự định sẽ đăng ký xét tuyển đại học vào ngành khoa học xã hội. Vì vậy, việc được học lịch sử theo các chuyên đề nâng cao ở ba năm học cấp trung học phổ thông chắc chắn sẽ giúp em thêm tự tin để quyết định nguyện vọng xét tuyển đại học". 

Cùng với cả nước, các trường học trên địa bàn Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, quyết tâm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, môn lịch sử nói riêng bảo đảm chất lượng ngay từ năm học đầu tiên.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên khẳng định, thời điểm này, nhà trường đã cơ bản chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để tổ chức dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 từ năm học 2022-2023. Các tổ hợp môn học tự chọn, trong đó có môn lịch sử, cũng đã được xây dựng và đang được triển khai để học sinh, gia đình học sinh đăng ký. Nhà trường tận dụng tối đa các điều kiện hiện có để có thể đáp ứng tốt nhất nguyện vọng học tập của học sinh. 

Liên quan đến nội dung này, ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) khẳng định, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã, luôn và sẽ tích cực đồng hành với các nhà trường trong quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; kịp thời lắng nghe, chia sẻ và kịp thời tháo gỡ khó khăn để việc triển khai đạt hiệu quả cao nhất. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông và các hướng dẫn cụ thể hơn cho việc triển khai...  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm chất lượng khi điều chỉnh dạy học lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.