(HNM) - Vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19, đến thời điểm này, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2021, bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo yêu cầu.
Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, ngay khi dịch Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, kéo dài, thành phố Hà Nội đã chủ động chuyển từ hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp sang từ xa (trực tuyến); đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế. Mặc dù việc này chưa có tiền lệ, nhưng các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố Hà Nội cùng đội ngũ giảng viên, học viên đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tổ chức thành công các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến. Trong đó, quy trình dạy học, thiết kế bài giảng, quản lý học viên… đã được thực hiện linh hoạt, phù hợp. Nhờ vậy, chất lượng dạy và học được bảo đảm, góp phần hoàn thành các nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo đúng quy định.
Nhiệm vụ quan trọng từ nay đến hết năm 2021 là các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để hoàn thành các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn lại, qua đó đạt 100% kế hoạch. Song song, các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 bám sát tình hình thực tế hiện nay; trong đó cần lưu ý đến bối cảnh dịch bệnh và dự báo các tình huống có thể phát sinh để tiếp tục chủ động những phần việc liên quan ngay từ đầu năm cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm không bị gián đoạn công tác này.
Cùng với đó, vấn đề cần được quan tâm là tiếp tục đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp thực tiễn. Dù trong hoàn cảnh nào (dạy học trực tiếp hay trực tuyến), nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ, kiến thức văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cần tích cực, lấy người học làm trung tâm. Tùy theo đặc thù của từng môn học có thể lựa chọn phương pháp phù hợp, vận dụng cách thức giảng dạy tiên tiến kết hợp sử dụng các công cụ, phương tiện dạy học hiện đại, nhất là trong hoàn cảnh nếu tiếp tục phải dạy học trực tuyến do dịch bệnh. Chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ cũng cần tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cho sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng học viên.
Trong bối cảnh phải đẩy mạnh giảng dạy trực tuyến, cần quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu dạy, học theo phương pháp mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, bồi dưỡng phải đáp ứng được việc áp dụng, sử dụng các phương pháp trao đổi tích cực, tương tác hiệu quả giữa giảng viên và học viên.
Ở góc độ các học viên được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cần nêu cao ý thức trách nhiệm, nghiêm túc tham gia học tập đầy đủ thời gian, chương trình theo quy định. Những người đã hoàn thành các lớp đào tạo, bồi dưỡng, với kiến thức đã được trang bị cần nhanh chóng áp dụng vào thực tế công tác ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình, từ đó góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Sự chủ động, kịp thời trong thực hiện chương trình, kế hoạch sẽ bảo đảm chất lượng, hiệu quả về lâu dài trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.