Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm bình ổn thị trường cuối năm

Lam Giang| 02/11/2022 06:13

(HNM) - Theo dự báo thị trường, nhu cầu hàng hóa dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 có xu hướng tăng mạnh, trong khi những tác động bất lợi của thị trường thế giới ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường trong nước. Thực tế này đòi hỏi hoạt động cung ứng - phân phối và điều tiết giá cả hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm phải được chủ động đẩy mạnh, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm tiêu dùng của người dân.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Trung tâm thương mại Savico Megamall (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Thị trường hàng hóa hồi phục tích cực

Nhìn chung bức tranh thị trường hàng hóa trong nước 10 tháng năm 2022 mang gam màu sáng với chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng ấn tượng.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021. Con số tương ứng trên địa bàn thành phố Hà Nội là 567,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm qua, mặc dù chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng) có xu hướng tăng. Nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn.

Từ góc độ doanh nghiệp phân phối, Giám đốc vận hành hệ thống bán lẻ WinMart Nguyễn Trọng Tuấn cho biết, dịch Covid-19 được kiểm soát đã tạo đà cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ. Sức mua tăng lên là cơ sở để nhà bán lẻ này đưa ra dự báo, hệ thống WinMart sẽ đạt tăng trưởng 20% trong năm 2022. Còn đại diện hệ thống siêu thị GO&BigC cũng lạc quan nhận định, dịp cuối năm thị trường sẽ sôi động tương đương trước đại dịch.

Đề cập đến dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, sức mua sẽ tăng 20-30%. Tuy thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực kìm đà tăng giá, song với biến động bất thường của nhiều loại hàng hóa, nhất là hàng hóa đầu vào phục vụ sản xuất, thị trường đang thiết lập mặt bằng giá mới gây áp lực với việc bình ổn thị trường. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải sớm nắm bắt nhu cầu thị trường để chủ động chuẩn bị nguồn hàng.

Người dân mua thực phẩm tại chợ dân sinh xã Dục Tú (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Chủ động nguồn cung, ổn định giá cả

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 333/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về quản lý, điều hành giá 9 tháng năm 2022 và định hướng các tháng cuối năm 2022. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Thành phố Hà Nội cũng đã lên kế hoạch sản xuất hàng Tết, cân đối chi phí, nhằm bảo đảm không có biến động giá cả. Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong đó dự báo nhu cầu mua sắm tăng hơn cùng kỳ năm trước cùng kế hoạch cung ứng nguồn hàng hóa ước tính khoảng 39,5 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước).

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện nay đã có 44 doanh nghiệp trên địa bàn cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào gạo, thịt lợn, thủy hải sản… Tổng mức dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng hóa bình ổn chiếm 35% trong tổng lượng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Khoảng 1.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi được 7 ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.

Giám đốc khu vực miền Bắc hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op (Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh) Lê Văn Liêm thông tin, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, Co.opmart tăng lượng dự trữ lên 30-50%, tùy nhóm hàng. Lượng hàng bình ổn giá của hệ thống Co.opmart chiếm khoảng 25% đến 30%. Riêng thị trường Hà Nội và miền Bắc, hiện Co.opmart có hơn 50 điểm bán hàng hóa bình ổn.

Còn Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thùy Dương cho hay, ngay từ cuối tháng 9 và đầu tháng 10, BRGMart đã làm việc với các nhà cung ứng lớn, chốt sản lượng tất cả các mặt hàng chủ lực. Hàng bình ổn chiếm 32% trong tổng lượng hàng hóa phục vụ Tết, với 69 siêu thị, cửa hàng thuộc chuỗi hệ thống bán lẻ BRGMart bán hàng bình ổn giá.

Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội đôn đốc 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 2.000 cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa. Riêng chợ truyền thống, nơi cung cấp 75% lượng hàng hóa, Sở yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, niêm yết và bán hàng đúng giá niêm yết… Trưởng ban Quản lý chợ Hôm - Đức Viên (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Đức Trung cho hay, từ nay tới cuối năm và dịp cận Tết Nguyên đán, Ban Quản lý chợ sẽ theo dõi sát tình hình luân chuyển hàng hóa cũng như giá cả các mặt hàng, có ngay giải pháp ứng phó khi xảy ra thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, vi phạm về giá bán, sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm... “Đặc biệt chúng tôi sẽ theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường để kịp thời xử lý hiện tượng thiếu hàng, khan hiếm hàng, giá cả tăng đột biến”, ông Trần Việt Hùng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm bình ổn thị trường cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.