Chiều 5-2, UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin về tình hình thị trường, cung - cầu và kiểm soát giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo đó, dịp Tết Ất Tỵ 2025, thành phố có 69 doanh nghiệp bình ổn thị trường, chiếm 24-41% nhu cầu thị trường; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối, chợ… chiếm 59-76% nhu cầu thị trường.
Trong 2 tháng Tết, bình quân mỗi tháng cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thuỷ, hải sản.
Để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các doanh nghiệp bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường; các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động, không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Tiêu biểu, hệ thống Saigon Co.op triển khai nhiều chương trình nổi bật như khuyến mãi Tết Ất Tỵ liên tục trong 59 ngày đêm (từ ngày 1-12-2024 đến 28-1-2025), với 3.500 mặt hàng Tết giảm giá mạnh, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu đón xuân mới.
Còn hệ thống Satra có khoảng 3.550 tấn hàng phục vụ Tết, tăng khoảng 29,4% so với tháng thường và tăng 10% với tháng giáp Tết cùng kỳ năm trước, tương ứng trị giá 500 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, trà, cà phê, bia, nước giải khát…; thực hiện chương trình khuyến mại “Tết sum vầy - Lộc đủ đầy” với nhiều hàng hóa giảm giá lên đến 50%...
Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh có 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền) và 229 chợ dân sinh, lượng nông sản cung ứng thị trường đạt bình quân 7.600 tấn/ngày (gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy, hải sản, 5.600 tấn rau củ quả).
Vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày; 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động với tổng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày.
Cùng với đó, Ban quản lý các chợ đã triển khai các phương án bán hàng lưu động bình ổn thị trường tại 7 địa điểm khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn quận 3, 4, 8, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, với sự tham gia của 13 doanh nghiệp, hơn 40 nhóm hàng, 500 sản phẩm các loại.
Theo đánh giá của UBND thành phố Hồ Chí Minh, tình hình giá cả thị trường trước và trong Tết trên địa bàn thành phố (từ ngày 22 đến 31-1) nhìn chung tương đối ổn định, không có tình trạng tăng giá đột biến do nguồn hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đầy đủ, đa dạng các loại mặt hàng, đảm bảo được nhu cầu mua sắm của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.