(HNM) - Với những mùa lễ hội trước, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được thực hiện nghiêm nên thiếu tính răn đe.
Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hà Nội lấy mẫu rau tại cơ sở ăn uống khu vực chùa Hương. Ảnh: Tuyết Mai |
Xét nghiệm thực phẩm tại chỗ
Từ trước mùa lễ hội đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP của TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra gần 6.800 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, trong đó phát hiện 1.320 cơ sở có vi phạm, xử phạt trên 6,5 tỷ đồng, đồng thời tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Tuần qua, Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP của thành phố đã tiến hành kiểm tra thực tế lần thứ 3 tại khu vực lễ hội chùa Hương. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá, công tác bảo đảm ATTP tại đây đã tiến bộ hơn những năm trước nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các đoàn liên ngành ATVSTP huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn. Không chỉ tăng cường kiểm tra, sau khi phát hiện vi phạm, các đoàn liên ngành đã xử lý nghiêm và yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay tồn tại. Tuy nhiên, qua kiểm tra cuối tuần qua, Đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa tuân thủ quy định về ATVSTP như: Điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm, khu vực chế biến thực phẩm sống và chín còn lẫn lộn… Qua 3 lần kiểm tra xét nghiệm 68 mẫu thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao (như: Rau, rượu tự ngâm, bánh phở, thực phẩm sống, bát đũa…).
Trước đó, tại lễ hội đền Và (Sơn Tây), qua kiểm tra, 23 hàng quán kinh doanh thực phẩm tại đây đều ký cam kết bảo đảm ATTP. Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã tiến hành lấy 10 mẫu bánh phở, bánh tẻ; 5 mẫu tương ớt để xét nghiệm nhưng không phát hiện có hàn the và phẩm màu độc hại. Tuy nhiên, kiểm tra bát đựng bún, phở thì chỉ có 22/55 chiếc bảo đảm vệ sinh. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các hộ kinh doanh ăn uống thời vụ phải bảo đảm tốt công tác ATVSTP ngay từ khâu chọn lựa nguyên liệu (có nguồn gốc rõ ràng), chế biến thức ăn sống, chín, bảo đảm ATTP cho hơn 1.000 du khách mỗi ngày.
Việc kiểm soát ATVSTP tại các điểm tổ chức lễ hội thường gặp khó khăn do nhiều cơ sở chỉ kinh doanh mang tính thời vụ, ý thức chấp hành quy định không cao. Do vậy, để bảo đảm kiểm soát được tình hình ATTP tại các lễ hội, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã điều xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động đến các lễ hội để lấy mẫu, làm các xét nghiệm nhanh tại chỗ. Thời gian xét nghiệm trung bình cho mẫu thực phẩm từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ, nhanh hơn nhiều việc lấy mẫu mang đến các phòng thí nghiệm. Đối với những mẫu thực phẩm phát hiện bất thường sẽ yêu cầu cơ sở dừng bán hoặc sử dụng chế biến và tiêu hủy.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, riêng trong kỳ lễ hội, xe kiểm nghiệm lưu động đã tiến hành lấy tại chỗ khoảng 100 mẫu thực phẩm. Qua xét nghiệm nhanh 65 mẫu bát tại các lễ hội, đoàn liên ngành thành phố cũng đã phát hiện 24 mẫu bát không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, phát hiện khoảng 20 mẫu rau, quả, thực phẩm dương tính với dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, phẩm màu công nghiệp... |
Kiên quyết đình chỉ cơ sở vi phạm
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có trên 1.000 lễ hội. Chính vì vậy, trước, trong và sau khi mỗi lễ hội kết thúc, các đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP từ thành phố đến địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cơ sở không tuân thủ các quy định về ATTP nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, dù chỉ kinh doanh thời vụ cũng phải ký cam kết bảo đảm ATVSTP. Các cơ sở phải đáp ứng những điều kiện bắt buộc, đó là khu vực chế biến và dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ; có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa; có tủ bảo quản thực phẩm; thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc. “Khi tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm các điều kiện tối thiểu nêu trên thì dứt khoát sẽ đình chỉ hoạt động”, ông Nguyễn Khắc Hiền nói. Yêu cầu được nhấn mạnh đối với Ban Chỉ đạo ATVSTP các quận, huyện trong mùa lễ hội là cần tăng cường công tác, thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống thường xuyên.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, cần tuyên dương các cơ sở thực hiện nghiêm túc quy định ATTP của pháp luật, đồng thời tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và có sự lựa chọn những cửa hàng dịch vụ ăn uống sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.