(HNM) - Các nhà máy thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý đều có dung tích hồ chứa lớn. Trước mùa mưa bão năm 2018, công tác bảo đảm an toàn hồ, đập, phòng chống thiên tai đã được tiến hành rất kỹ càng.
Tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại hạ lưu Nhà máy Thủy điện buôn Tua Srah. |
Đến các công trình thủy điện như Đa Nhim, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Ialy ở Tây Nguyên, có thể thấy rõ sự chủ động trong việc bảo đảm an toàn hồ đập của các đơn vị chủ quản. Đơn cử, tại Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (tỉnh Đắk Lắk), việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, công trình, phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức diễn tập xả lũ; cập nhật đầy đủ thông tin vận hành hồ chứa… đã được hoàn thành từ rất sớm.
Theo ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, từ lúc các hồ chứa bắt đầu đưa vào vận hành năm 2009, công ty đã từng bước thiết lập các trạm cảnh báo từ xa qua sóng di động, tập trung vào các khu vực đông dân cư, bến đò, bãi tắm để thông báo đến chính quyền và nhân dân địa phương về tình hình chạy máy và điều tiết nước về vùng hạ du trong mùa cạn cũng như mùa lũ. Đến nay, công ty đã thiết lập được 19 trạm cảnh báo dọc bờ sông vùng hạ du các hồ chứa.
Tại Thủy điện Đa Nhim, ông Đỗ Minh Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết, công ty đã cập nhật đầy đủ, liên tục thông tin về điều tiết xả lũ đập tràn, vận hành hồ chứa, số liệu thủy văn lưu vực… cho các địa phương phía hạ du.
Tháng 7-2018, công ty phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Đơn Dương, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh kiểm tra thực địa dòng chảy sông Đa Nhim, Đa Mi, La Ngà; cập nhật lại phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du hồ Đơn Dương, tổ chức diễn tập một số tình huống gây mất an toàn...
Đầu tháng 8-2018, có mặt tại xã Ea R'bin, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) dự hội nghị tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại hạ lưu Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah năm 2018, do Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (Tổng công ty phát điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tổ chức, chúng tôi thấy sự chuẩn bị kỹ càng và sự tham gia hiệu quả của chính quyền địa phương.
Theo ông Nguyễn Đức, công ty đã xây dựng kế hoạch chi tiết, sát với tình hình và đặc điểm của từng đơn vị với phương châm "4 tại chỗ". Cùng với đó, việc phối hợp với chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông trong việc vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trong mùa lũ được tiến hành cụ thể.
Chia sẻ về điều này, Chủ tịch UBND xã Ea R'Bin Đặng Xuân Kiên thông tin, thời gian qua, việc phối hợp giữa hai bên rất nhịp nhàng, việc xả nước của thủy điện đều được thông báo cho người dân biết và chủ động. Năm 2017, khi mực nước cao, xã cũng yêu cầu công ty dừng xả nước trong 48 tiếng để thoát úng vùng hạ du, nhờ đó giảm bớt thiệt hại cho người dân.
Còn bà Lê Thị Giang, ở thôn 4, xã Ea R'Bin cho biết, thường xuyên nhận được thông tin về tình hình xả nước của nhà máy thủy điện cũng như được cung cấp bản tin dự báo mưa, thông tin thời tiết trên hệ thống truyền thanh của xã, nhờ đó chủ động trong canh tác...
Với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, việc phối hợp với chính quyền địa phương trong vận hành xả lũ được bắt đầu ngay từ khâu kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Công ty và địa phương đều cử thành viên tham gia trực tiếp, phối hợp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Hằng năm, trước, trong và sau mùa mưa bão, các bên đều phối hợp kiểm tra, tuần tra… khu vực hạ du hồ chứa.
Trong quá trình điều tiết lũ hồ chứa, lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công ty và địa phương đều chỉ đạo trực tiếp tại trung tâm điều hành các đập. Đối với việc quản lý hành lang an toàn các hồ chứa, công ty luôn kiểm tra định kỳ hằng tháng, quý, kiểm tra đột xuất… để có thể sớm phát hiện các hành vi vi phạm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng 12, 13 cơn/năm) và khoảng từ 4 đến 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Sự chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai của các đơn vị trực thuộc EVN, cùng với đó là đề cao vai trò phối hợp của chính quyền địa phương đang mang lại hiệu quả cho hoạt động của các công trình thủy lợi và hơn hết là bảo vệ an toàn cuộc sống, tài sản của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.