Môi trường

Mưa lớn, sạt lở đất diễn biến phức tạp: Triển khai lực lượng ứng phó, bảo đảm an toàn dân cư, hồ đập

Nhóm phóng viên 06/08/2023 - 06:32

Những ngày qua, mưa lớn, sạt lở đất tại các tỉnh Hòa Bình, Đắk Nông, Lâm Đồng... gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tại Hà Nội cũng đã xảy ra lở đất tại Sóc Sơn. Trước diễn biến trên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó...

luc-luong-chuc-nang-cuu-ho-.jpg
Lực lượng chức năng cứu hộ các ô tô bị vùi lấp sau vụ sạt lở tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Quang Phong

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, mưa lớn những ngày qua đã gây ra nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm. Cụ thể, mặt đường Hồ Chí Minh (đoạn qua phường Quảng Thành, thành phố Gia Nghĩa), bị sụt lún, tạo thành hố sâu khoảng 3m so với mặt đường cũ... Còn tại tỉnh Lâm Đồng, tuyến đường tránh phía Nam, đoạn qua phường Lộc Sơn (thành phố Bảo Lộc), ngày 5-8, xuất hiện nhiều vị trí sụt lún tạo thành hố sâu hơn 1m trên mặt đường. Tương tự, mưa lớn tại nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc đã làm sạt lở 67 vị trí giao thông, thiệt hại nhiều nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng. Trong đó, tại tỉnh Hòa Bình, mưa lớn ngày 5-8 gây ngập đường 446, đoạn thuộc thành phố Hòa Bình; sạt lở núi xuống quốc lộ 6, đoạn thuộc huyện Mai Châu...

Tại Hà Nội, mưa lớn ngày 4-8 đã cuốn theo khối lượng lớn sỏi đất khiến nhiều phương tiện giao thông dừng đỗ ở bên đường, đoạn xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) bị mắc kẹt...

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cảnh báo, Hà Nội có nguy cơ ngập úng cục bộ tại các khu đô thị, sạt lở, trượt đất tại vùng núi các huyện Sóc Sơn, Ba Vì. Các tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai... có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng tại những nơi trũng, thấp.

Trước những diễn biến trên, ngày 5-8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông và các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên tập trung chỉ đạo, triển khai lực lượng rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn dân cư, an toàn hồ đập trên địa bàn. Các tỉnh, thành phố miền Bắc huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nhà ở, sản xuất nông nghiệp...

Trong khi đó, chiều 5-8, tại họp báo Chính phủ tháng 7-2023, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, với những sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất đá xảy ra từ từ. Đất đá trượt lở từ từ tạo thành trườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi có sự thay đổi bề mặt từ đất rừng sang đất trồng cây hay san phạt đất làm nhà, đường, xây hồ thủy điện… cấu trúc của mặt đất đã thay đổi, dẫn tới nguy cơ sạt lở khi có lượng mưa lớn rất cao.

Thực hiện chỉ đạo trên, Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc, Tây Nguyên đã tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả, khẩn trương triển khai biện pháp phòng ngừa, ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Tại thành phố Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai chủ động xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho dân cư tại các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng mưa lũ, sạt lở đất... Riêng huyện Sóc Sơn chỉ đạo kiểm tra, rà soát, lập ngay danh mục toàn bộ các vị trí xung yếu có nguy cơ úng ngập, sạt trượt, xói lở nguy hiểm, từ đó tuyên truyền và cắm ngay biển cảnh báo để người dân biết và phòng tránh.

Các tỉnh còn lại của miền Bắc, Tây Nguyên trong ngày 5-8, tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố sạt lở, bảo đảm an toàn giao thông; đồng thời, kiểm tra, sơ tán hộ dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đến nơi an toàn. Qua đó, hạn chế tối đa thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đất...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa lớn, sạt lở đất diễn biến phức tạp: Triển khai lực lượng ứng phó, bảo đảm an toàn dân cư, hồ đập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.