(HNM) - Trong thời đại bùng nổ truyền thông đa phương tiện, áp lực cạnh tranh thông tin và sự đòi hỏi ngày càng cao của “công chúng số”, các cơ quan báo chí không ngừng thực hiện chuyển đổi số hướng đến sự phát triển hiện đại, chuyên nghiệp. Trước áp lực đổi mới đó, Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp. Việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 được xem là cần thiết và phải được sớm thực hiện trên tinh thần tạo được sự đồng thuận, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển toàn diện.
Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Luật Báo chí 2016 có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Sau 6 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhận định, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân được bảo đảm, phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Còn theo nhà báo Đặng Bá Dung, Luật Báo chí 2016 có nhiều nội dung giúp cho báo chí hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, đặc biệt là có những nội dung quy định về hoạt động của báo điện tử.
Mặc dù tạo được cơ sở pháp lý cho hoạt động báo chí nhưng trong hơn 6 năm triển khai, Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ nhiều bất cập do chưa theo kịp sự đổi mới của khoa học và công nghệ thông tin của kỷ nguyên số. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30-3-2022 báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Qua rà soát, có 27 nội dung, nhóm nội dung còn có quy định bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn của Luật Báo chí. Những vấn đề này cho thấy, Luật Báo chí cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động và phát triển.
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016 - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016” diễn ra tại Hà Nội ngày 10-6, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, những bất cập trong Luật Báo chí 2016 khiến cho hoạt động quản lý báo chí cũng như hoạt động thực tiễn của các cơ quan báo chí thời gian qua có nhiều vi phạm. Một số tờ báo thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ; thông tin không đúng sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, tiết lộ bí mật Nhà nước. Mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí chưa được quy định một cách rõ ràng. “Luật Báo chí hiện hành chưa bám sát được với sự phát triển của truyền thông số, truyền thông đa phương tiện, báo chí đa nền tảng. Chính vì thế, nhiều quản lý còn lỏng lẻo, không phù hợp thực tế. Không ít cơ quan chủ quản buông lỏng vai trò, trách nhiệm của mình. Một số nhà báo chưa thực hiện nghiêm quy định tác nghiệp, quy trình biên tập. Bên cạnh đó, vi phạm về quảng cáo trên báo chí vẫn xảy ra” - PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng nêu.
Còn theo Cục Phát thanh và Truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay, quy định về xuất, nhập khẩu sản phẩm báo chí chưa đề cập đến các tác phẩm báo chí là chương trình phát thanh, chương trình truyền hình. Cần bổ sung những quy định về xuất nhập khẩu chương trình phát thanh, chương trình truyền hình để có cơ sở quy định về nguyên tắc việc các chương trình tường thuật trực tiếp, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ cho người xem.
Tạo điều kiện cho báo chí phát triển toàn diện
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí - truyền thông, cơ quan báo chí trên cả nước đánh giá lại những ưu điểm cũng như hạn chế, bất cập của Luật Báo chí 2016 để đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhận định, Luật Báo chí sẽ phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan báo chí nhưng các vấn đề quản lý nhà nước cần phải bảo đảm trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.
Kiến nghị về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào Luật Báo chí 2016, Tiến sĩ Lê Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Truyền thông) cho rằng, cần phải có công tác nghiên cứu dư luận xã hội về Luật Báo chí. Luật Báo chí 2016 chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử để tránh tình trạng “báo hóa” đang nhập nhằng hiện nay, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
Ở góc độ nghiệp vụ báo chí, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất, Luật Báo chí 2016 cần đề cập tới quyền và trách nhiệm của tất cả các chủ thể của báo chí số và truyền thông đa nền tảng, chủ thể trong nước và nước ngoài, bổ sung và nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của công chúng số. “Với thời đại bùng nổ thông tin và cạnh tranh thông tin rất quyết liệt hiện nay, Luật Báo chí cần phải có quy định cụ thể cho “chiến tranh thông tin” thông qua phương tiện truyền thông liên cá nhân và truyền thông xã hội. Cần bổ sung quy định về thu hồi giấy phép hoạt động báo chí khi cơ quan báo chí không đảm bảo các điều kiện hoạt động...” - PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng bày tỏ.
Từ góc độ quản lý nhà nước, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị trong Luật nên có quy định một số chỉ tiêu chính phải đáp ứng khi xin phép thành lập cơ quan báo chí cũng như trách nhiệm chứng minh nguồn lực để đảm bảo nguồn kinh phí ban đầu và cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động báo chí. Bên cạnh đó, luật cần nghiên cứu, bổ sung vào luật các quy định phân định loại hình tạp chí điện tử và báo điện tử, lượng hóa các quy định để ngăn chặn tình trạng “báo hóa”, “tư nhân hóa”; giới hạn phạm vi yêu cầu cung cấp thông tin khi tác nghiệp.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ sẽ còn tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, đơn vị để có đánh giá đầy đủ nhất về Luật Báo chí 2016, từ đó sẽ kiến nghị những sửa đổi, bổ sung phù hợp. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, kiến nghị sửa đổi, bổ sung sẽ bám sát vào thực tế phát triển của báo chí trong thời đại công nghệ số để báo chí phát triển toàn diện, sáng tạo, chuyên nghiệp nhưng vẫn phải tuân thủ những quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Tiến sĩ Trần Quang Diệu, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Thực hiện quản lý nhà nước trên không gian mạng theo nguyên tắc như quản lý thế giới thực
Chúng ta phải hoàn thiện khung pháp lý về quản lý báo chí truyền thông theo hướng xác định rõ trách nhiệm, chức năng, thẩm quyền của các chủ thể tham gia công tác quản lý báo chí truyền thông và hoạt động báo chí truyền thông trên cơ sở bảo đảm quyền tự do báo chí của công dân. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý để triệt để chống biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, “thương mại hóa” và cổ xúy cho tư tưởng “tự do báo chí” thái quá.
Bên cạnh đó, “hành lang pháp lý” trong hoạt động báo chí cần xây dựng các quy định cụ thể, điều chỉnh tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp trong công tác quản lý báo chí truyền thông giữa Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan quản lý khác. Việc sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định về quản lý thông tin truyền thông trên môi trường số là rất cần thiết, đặc biệt là truyền thông Internet, truyền thông xã hội. Trong đó, cần bổ sung các nội dung về xây dựng mô hình quản lý thông tin trên mạng xã hội và truyền thông xã hội theo hướng chủ động, thống nhất, kịp thời và hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng hành lang pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước trên không gian mạng theo nguyên tắc như quản lý thế giới thực. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cần bổ sung các hành lang pháp lý đối với các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin trên mạng xã hội và truyền thông xã hội kể cả về nội dung đến tổ chức, nhân sự.
PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Sửa luật để bao quát các mô hình và vấn đề của truyền thông hiện đại
Luật Báo chí 2016 mới quy định bốn loại hình báo chí cơ bản (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử), nhưng trên thực tế còn có nhiều loại hình hoạt động thông tin đại chúng có tính chất như báo chí hoặc có liên quan, tác động sâu rộng tới hoạt động báo chí, như mạng xã hội, trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình...
Bên cạnh đó, với xu thế hội tụ công nghệ, truyền thông đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng, di động, truyền hình vệ tinh (DTH) và đặc biệt là sự nở rộ của các dạng thức truyền phát trên môi trường Internet qua các website, ứng dụng trong nước và thế giới vào Việt Nam (OTT) cho phép tương tác với người đọc, người nghe, người xem tại thời điểm phát thực đã đặt ra câu hỏi lớn về công tác quản lý báo chí. Có hàng loạt những câu hỏi xuất phát từ thực tiễn cần có hành lang pháp lý phù hợp hơn, ví dụ như việc ngày càng nhiều báo điện tử phát triển các chuyên trang media, video, chuyên trang phát thanh (radio podcast), thậm chí tổ chức sản xuất các bản tin/chuyên đề (giống hệt như dạng bản tin thời sự, chuyên đề truyền hình) để phát trên Internet tại địa chỉ tên miền được cấp phép hoạt động là đúng hay chưa đúng, là phù hợp hay chưa phù hợp?
Theo tôi, Luật Báo chí 2016 nếu được sửa đổi cũng cần đề cập về những vấn đề đang được sự quan tâm ở cấp độ toàn cầu như sở hữu trí tuệ, vấn đề dữ liệu độc giả, vấn đề quyền trải nghiệm của người sử dụng... Cũng cần lưu ý rằng, bộ luật hiện hành đang nhìn nhận báo chí như hoạt động “của con người tạo ra”, chưa đề cập đến những điểm mới từ sự phát triển công nghệ như “robot hóa”, “tự động hóa” quy trình sản xuất, biên tập nội dung. Khuôn khổ pháp lý hiện nay cũng rất khó áp dụng trong thực tiễn triển khai các mô hình liên kết giữa báo chí với công ty công nghệ, nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp quảng cáo, các nền tảng xuyên biên giới. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cần phải bám sát vào thực tiễn của sự phát triển công nghệ cũng như của truyền thông hiện đại.
Minh Vũ lược ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.