(HNMO) – Ngày 20-6, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tuần 3, tháng 6 tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam để triển khai nhiều nội dung quan trọng trong hoạt động báo chí, đồng thời đánh giá kết quả bước đầu phát động, triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ dự hội nghị.
Khơi dậy khát vọng Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Chỉ còn hơn 2 năm nữa, nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ chạm dấu mốc 100 năm (21/6/1925 - 21/6/2025). Trong bối toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; sự chuyển động nhanh của thế giới; thực tiễn đổi mới, phát triển năng động của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của mỗi người dân, doanh nghiệp, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị cùng toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, chân thực, chạm tới cảm xúc của khán giả, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định: Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã bám sát diễn biến thực tiễn đời sống xã hội; thông tin trách nhiệm, vừa thực hiện yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đồng thời đáp ứng cơ bản nhu cầu thông tin của người dân; thể hiện được vai trò định hướng, chủ động dẫn dắt thông tin.
Báo chí cũng có nhiều đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, trong đó nổi bật là việc ứng dụng và phát triển các sản phẩm báo chí mới trên nền tảng truyền thông hiện đại (inforgraphic, megastory, VTVgo, VTC Nows, fanpage Thông tin Chính phủ…) để đa dạng hóa, dễ dàng, thân thiện tiếp cận các đối tượng độc giả, khán giả, làm chủ không gian truyền thông mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, đó là: Thông tin chưa cân đối giữa tích cực và tiêu cực; vẫn còn thông tin chưa chuẩn xác, thiếu nhạy cảm chính trị.
Để báo chí hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan báo chí giữ vững và phát huy vai trò tiên phong, đi trước mở đường, vai trò chủ lực trong công tác thông tin tuyên truyền; thực sự là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước trong bất kỳ giai đoạn nào của đất nước. Trong đó, tập trung xây dựng các chuyên mục, chương trình tổng kết, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ; xác định rõ việc thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội hài hòa và ngang tầm với thông tin, tuyên truyền phát triển kinh tế; tiếp tục chú trọng tuyên truyền lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại; chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tích cực triển khai, thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”
Đánh giá sơ kết năm đầu phát động, triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết: Ngay sau lễ phát động, các cấp Hội Nhà báo từ Trung ương đến địa phương phối hợp với các cơ quan báo chí khẩn trương xây dựng kế hoạch, thảo luận và thống nhất tiêu chí tại đơn vị mình; tổ chức lễ ký kết giao ước thi đua trong các cấp hội; đưa các nội dung của phong trào vào quy chế chấm điểm, xét khen thưởng hội viên, nhà báo hằng năm. Đến nay, đã có 84 đơn vị nộp báo cáo 1 năm thực hiện phong trào thi đua, trong đó có 50 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 12 Liên chi hội, 22 Chi hội.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi đánh giá, nhiều đơn vị tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện phong trào thi đua như: Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng; Hội nhà báo các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Kon Tum, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cũng nêu những tồn tại, hạn chế như: Một số cấp hội chưa có hành động hưởng ứng cụ thể, kịp thời; còn hiện tượng triển khai mang tính hình thức, đối phó.
Từ những hạn chế này, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng môi trường văn hóa cơ quan báo chí, văn hóa người làm báo trong các cấp Hội; nội dung phong trào thi đua phải gắn với nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp Hội, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong từng thời kỳ cụ thể; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, hội viên gương mẫu.
Ngoài ra, các cấp Hội Nhà báo cần tích cực phối hợp tổ chức các cuộc thi, giải báo chí về chủ đề xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, phát huy yếu tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm báo chí, gắn với đánh giá, bình chọn tác phẩm dự thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.