Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng trước Quốc hội

Vân An| 21/11/2013 15:54

(HNMO) – Đăng đàn Quốc hội chiều 21/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo thêm về các vấn đề kinh tế, xã hội đất nước cũng như các vấn đề được đặt ra trong phiên chất vấn với các bộ trưởng, trưởng ngành.


Trước khi đi vào những vấn đề cụ thể, Thủ tướng thay mặt Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu, cử tri cả nước; hứa khắc phục các hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, nỗ lực cao nhất cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển đã đề ra.

Về tình hình kinh tế xã hội và các nhiệm vụ những tháng cuối năm, Thủ tướng cho biết, tháng 10 và 11, kinh tế vĩ mô tiếp tục cải thiện, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,4%, ước cả năm tăng 6,2-6,3%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua; dư nợ tín dụng cả năm có khả năng đạt 11-12%; xuất khẩu tăng 15,1%, nhập khẩu tăng 15,9%, nhập siêu gần 290 triệu USD; vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt trên 20 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 11,5 tỷ USD, vốn ODA ký kết tăng 14,1%; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất nông-lâm-thủy sản ổn định; an sinh xã hội được đảm bảo… Những kết quả này giúp đất nước có cơ sở đạt được những kế hoạch đã đề ra cho năm 2013. từ nay đến cuối năm, kiên định thực hiện các giải pháp đã đề ra, chủ động cân đối cung-cầu, đảm bảo đủ các mặt hàng thiết yếu, chuẩn bị tốt điều kiện để mọi người dân đón tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Về nhiệm vụ năm 2014, Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung chỉ đạo điều hành đồng bộ, hiệu quả các chính sách tiền tệ, giá hàng hóa do Nhà nước quy định, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cả trước mắt và trung hạn; cải thiện môi trường kinh doanh…

Về sử dụng nguồn vốn trái phiếu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ sử dụng khoản tăng bội chi ngân sách một phần cho trả nợ, phần còn lại đầu tư cho các dự án thiết yếu, hoàn thành các công trình đang dở dang, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, bổ sung vốn đối ứng ODA. Trái phiếu sẽ được phát hành phù hợp theo tiến độ giải ngân dự án và phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, đảm bảo hiệu quả, đồng thời phù hợp với chính sách tiền tệ, không làm tăng quá mức tổng cầu. Nhưng Thủ tướng cũng thừa nhận, áp lực trả nợ là rất lớn, cần phải phát hành trái phiếu để đảo nợ, bảo đảm duy trì thanh khoản mà không làm tăng dư nợ gốc trái phiếu Chính phủ. Với các giải pháp này, nợ công của nước ta hiện vẫn trong giới hạn an toàn.

Về xử lý nợ xấu, thời gian qua, Chính phủ đã xử lý hơn 101.000 tỷ đồng bằng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng, tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng lành mạnh hơn… Nhưng nợ xấu vẫn còn cao, đến cuối tháng 9/2013 là hơn 4,6% và việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn do thị trường chứng khoán, bất động sản phục hồi chậm nên khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi vốn… Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung xử lý bằng các biện pháp mạnh như tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, đảm bảo công khai minh bạch của các tổ chức tín dụng, phát huy vai trò của công ty quản lý tài sản, bán tài sản đảm bảo để thu nợ…

Cùng với đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng. Trong tái cơ cấu đầu tư công, Chính phủ sẽ tập trung khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí, rà soát lại các khoản vốn và các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh để đâu tư vào các dự án quan trọng, có sức lan tỏa lớn, đảm bảo các dự án được thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch, gắn với trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư và chủ đầu tư.



Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ đã có quy định rõ về cơ chế, chính sách cho việc quản lý, giám sát tại các doanh nghiệp Nhà nước. Năm 2012-2013, các DNNN đã duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn phần vốn Nhà nước và đóng góp hơn 33% GDP, trên 80% DN có lãi… Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục các hạn chế, yếu kém, nâng cao hoạt động của các DNNN, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, bán toàn bộ vốn tại các DN mà Nhà nước không cần chi phối; tách bạch nhiệm vụ kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích tại các DNNN...

Về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Chính phủ sẽ tập trung vào các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, có chính sách thu hút mạnh đầu tư sản xuất công nghiệp và dịch vụ ở địa bàn nông thôn; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; ưu tiên bố trí vốn ngân sách và các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Về an toàn hồ chứa nước, hiện cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động, trong đó có nhiều hồ được xây dựng đã lâu, không đảm bảo an toàn, không phù hợp với sự biến đổi khí hậu, cần được sửa chữa, nâng cấp. Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan trong việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, phấn đấu đến năm 2014 hoàn thành.

Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Chính phủ chú trọng tạo môi trường bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần cùng phát triển; kiên định thực hiện giá thị trường với các hàng hóa thiết yếu theo lộ trình phù hợp, đi đôi với hỗ trợ các hộ nghèo, chính sách; tập trung cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, tài nguyên, giấy tờ công dân, tiếp cận vốn; xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu trong thực thi công vụ…

Về các vấn đề xã hội, trong đó có giảm nghèo, Chính phủ coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và đã có nhiều chính sách, huy động mọi nguồn lực xã hội để giảm nghèo, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 2%. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, bền vững, số hộ có nguy cơ tái nghèo còn cao. Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách đã ban hành, trong đó tăng khả năng hỗ trợ đảm bảo mức tối thiểu về dịch vụ, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông, lâm ngư, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhan h hơn với đồng bào dân tộc thiểu số.

Về giảm tải bệnh viện và nâng cao y đức, Chính phủ đã cho đầu tư, cải tạo, xây mới nhiều bệnh viện, triển khai chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới… Chính phủ sẽ xây mới 5 bệnh viện trung ương và tuyến cuối hiện đại trong năm 2014, đồng thời nâng cấp, mở rộng các bệnh viện trung ương và tuyến cuối hiện có nhằm giảm tải, nâng cao năng lực điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng cũng cho biết, hiện ngành y tế có hơn 500.000 cán bộ, nhân viên, hầu hết có tâm với người bệnh nhưng cũng có những cán bộ suy thoái đạo đức, vi phạm pháp luât, gây bức xúc nhân dân, ảnh hưởng uy tín của thày thuốc. Chính phủ sẽ chỉ đạo các ngành liên quan và địa phương nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không xứng đáng.

“Chính phủ sẽ làm hết sức mình, quyết liệt hành động để cùng cả nước hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2014”, Thủ tướng nói.

Sau khi nghe Thủ tướng báo cáo, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn trực tiếp Thủ tướng.

Đại biểu Trần Thị Hiền băn khoăn về việc liệu phát hành thêm trái phiếu Chính phủ có thể khiến lạm phát quay trở lại hay không, các giải pháp của Chính phủ để sử dụng nguồn trái phiếu này thật hiệu quả.

Các đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ngô Văn Minh quan tâm đến tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật của các cơ quan Chính phủ. Đại biểu Minh đặt vấn đề, liệu việc chậm ban hành văn bản có phải là vi phạm pháp luật không? Nếu có, Thủ tướng xử lý như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Trần Thị Dung, Đỗ Văn Đương hỏi về quy hoạch, xây dựng thủy điện gây nhiều hệ lụy; quy trình xả lũ, vận hành hồ chứa và sự chỉ đạo của Thủ tướng với công tác này trước các ý kiến của nhiều đại biểu QH trong hơn 2 ngày chất vấn vừa qua. Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng gửi thêm tới Thủ tướng câu hỏi của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh về việc vì sao lại có có sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất?

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Thủ tướng làm rõ, liệu sự ngập ngừng, thiếu nhất quán trong ban hành chính sách thể chế tạo niềm tin thị trường có phải là nguyên nhân dẫn tới sự chậm chạp trong nhiều vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế? Làm thế nào để có được sự nhất quán về thể chế? Đại biểu Đỗ Thị Hoàng quan tâm thêm về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế.

Trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ và trách nhiệm người đứng đầu về phòng chống tham nhũng được đại biểu Lê Như Tiến chất vấn Thủ tướng. Ông muốn biết trong gần 2 nhiệm kỳ tại vị, Thủ tướng đã cắt bỏ hoặc trực tiếp cắt bỏ được bao nhiêu ung nhọt, quốc nạn tham nhũng? Cùng nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị Thủ tướng làm rõ thêm về trách nhiệm và các giải pháp đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Cũng liên quan đến vấn đề trách nhiệm, đại biểu Trương Thị Huệ chất vấn Thủ tướng về trách nhiệm của người có thẩm quyền trong thực thi công vụ chưa được rõ ràng, chưa có địa chỉ cụ thể.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi đề nghị Thủ tướng giải đáp về việc tạm nhập tái xuất 30.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai và các giải pháp giúp ngành mía đường đảm bảo sự phát triển.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm quan tâm đến các đánh giá về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và giải pháp của Thủ tướng để giúp nông dân làm giàu bằng nghề nông.

Đại biểu Lê Nam đề nghị Thủ tướng thể hiện chính kiến về việc trưng cầu hiền tài từ nguồn nhân lực chất lượng cao quốc tế trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài, những đột phá về công tác cán bộ.

Giải đáp các câu hỏi này, trước hết về tăng bội chi ngân sách, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, việc này nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra thì mục tiêu tăng trưởng GDP các năm tới và kiểm soát lạm phát sẽ đạt được, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trả được nợ, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn.

Về việc nợ đọng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn luật, Chính phủ, Thủ tướng nhận thức rõ và luôn xem việc xây dựng và trình các dự án luật, pháp lệnh, xây dựng ban hành các nghị định, quy định hướng dẫn luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Nhờ đó, tình hình nợ đọng văn bản từ năm 2012 trở lại đây đã có chuyển biến tích cực. Tuy tình trạng nợ đọng văn bản hiện nay thấp nhất so với 10 năm trước nhưng cũng là khuyết điểm, hạn chế, yếu kém của Chính phủ. Đến ngày 20/11, Chính phủ còn nợ 19 văn bản. Chính phủ phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ cơ bản ban hành xong nhưng không thể hết, vì trong 19 văn bản còn nợ, có những văn bản khó ban hành, có những văn bản chưa thật sự cấp bách. Ví dụ nghị định ban hành xây dựng quỹ đền bù thiệt hại do điện hạt nhân gây ra. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ nghiêm túc, cố gắng cao nhất để không còn nợ đọng, gắn công tác này với trách nhiệm của từng cơ quan, từng người đứng đầu. Cùng với đó, Chính phủ cũng nâng cao chất lượng văn bản ban hành, xây dựng đội ngũ chuyên làm công tác xây dựng pháp luật, rà soát để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy trình, thủ tục gây chậm trễ, kéo dài quá trình ban hành văn bản.

Về quy hoạch các nhà máy lọc dầu, Chính phủ và trực tiếp Thủ tướng đã ban hành quy hoạch phát triển nhà máy lọc dầu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và có các dự án sau trong quy hoạch: Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hoạt động tốt, có hiệu quả cao, đang đàm phán để đối tác Nga mua cổ phần của nhà máy này, phấn đấu đưa công suất nhà máy từ 6 lên 10 triệu tấn/năm; Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) hợp tác với Cô-oét, Nhật Bản, nhà máy đã chính thức khởi công; Nhà máy lọc dầu Phú Yên, được cấp phép cho một đối tác Nga; Nhà máy lọc dầu số 3 khu vực Long Sơn – Bà Rịa - Vũng Tàu đang kêu gọi đầu tư; Nhà máy lọc dầu Cần Thơ đã được cấp phép nhưng khả năng chủ đầu tư không đầu tư được nên đang yêu cầu địa phương xem xét rút giấy phép; Nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong – Khánh Hòa đang kêu gọi đầu tư. Có 1 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng Thủ tướng đã đồng ý bước đầu để làm thủ tục là Nhà máy lọc dầu khu kinh tế Vân Hội – Bình Định, dự án này được nhà đầu tư Thái Lan đề xuất, Thủ tướng cho phép nhà đầu tư làm báo cáo tiền khả thi và nếu xem xét thấy có lợi hai bên và phù hợp với pháp luật thì sẽ xem xét bổ sung vào quy hoạch.

Về các vấn đề an toàn liên quan đến thủy điện, thủy lợi, Thủ tướng cho biết, tiềm năng thủy điện là lợi thế lớn của nước ta, cần khai thác, sử dụng để phát triển. Những năm qua, thủy điện đóng góp rất quan trọng vào đảm bảo điện năng cho phát triển xã hội của đất nước. Nhưng bên cạnh đó, đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, yếu kém cả trong quy hoạch, lập dự án, thẩm định, phê duyệt, thi công, xây dựng dự án; trong di dân tái định cư; trong bảo đảm môi trường sinh thái. Những yếu kém, hạn chế này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là yếu kém về quản lý nhà nước của Chính phủ, chính quyền địa phương. Chính phủ, Thủ tướng đang tập trung chỉ đạo khắc phục những yếu kém này. Chính phủ lắng nghe rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội và sắp tới QH sẽ có nghị quyết về việc này, Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện với tinh thần tiếp tục phát huy mặt tích cực, hiệu quả của thủy điện đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục nhanh, có hiệu quả những hạn chế, yếu kém, đảm bảo dự án thủy điện phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, an toàn, môi trường sinh thái. Theo đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo 3 nhóm giải pháp sau:

Với những nhà máy đang vận hành, rà soát, đánh giá kỹ sự an toàn hồ đập, không an toàn là cho ngừng hoạt động; rà soát, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa, công khai cho nhân dân biết các quy trình này, yêu cầu các địa phương tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý, buộc chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, xử lý nghiêm các chủ đầu tư không chấp hành đúng. Đồng thời, bổ sung các chính sách tái định cư cho phù hợp, có chính sách, cơ chế yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại diện tích rừng đã mất do làm dự án.

Với các dự án đang khởi công xây dựng, Chính phủ yêu cầu rà soát, đánh giá thiết kế kỹ thuật có đảm bảo an toàn không; rà soát phương án tái định cư có đúng chính sách, pháp luật không, bổ sung cụ thể chính sách với từng dự án để đảm bảo đưa dân tới nơi ở mới phải tốt hơn; rà soát dự án trồng lại rừng; sớm hoàn thành quy trình vận hành hồ chứa trình cấp thẩm quyền phê duyệt để khi đi vào hoạt động là đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và an toàn.

Với các dự án nằm trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng, quy hoạch này Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ, thống nhất, tiếp tục cùng các bộ liên quan và các địa phương rà soát, thẩm định lại để báo cáo Thủ tướng phê duyệt; siết chặt việc chấp thuận đầu tư.

Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khép lại 3 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng trước Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.