Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bánh Trung thu - sứ mệnh "thâm tình"?

Thế Phương| 30/08/2015 05:54

(HNM) - Bánh Trung thu đã trở lại trên những con phố, những siêu thị và cả những hàng bia vốn không hợp với những thứ thanh cảnh.

Thị trường bánh Trung thu cũng như năm ngoái và nhiều năm trước, đủ loại đẳng cấp nhưng đại để có thể chia thành hai loại: Bánh để ăn, để góp vào những mâm cỗ bình dân từ phố thị đến thôn quê - thường là loại bánh mang yếu tố truyền thống, đơn giản nhưng cũng kỹ càng về chất liệu... và một loại bánh khác, được sử dụng để biếu, tặng, có bao bì đẹp, sang trọng. Đương nhiên, giá cả của những loại bánh này cũng khác nhau. Những hộp bánh Trung thu ẩn chứa, những trao gửi "thâm tình" không phải là câu chuyện mới, nhưng mỗi dịp Trung thu lại gây nhiều trăn trở, bức xúc trong dư luận.

Theo vị lãnh đạo của một công ty có thương hiệu được xếp hàng đầu về bánh Trung thu thì lượng bánh bán ra theo hợp đồng cho các cơ quan, đơn vị chiếm phần lớn so với lượng tiêu thụ qua kênh bán lẻ ở các cửa hàng, đại lý, siêu thị... Đương nhiên, có cầu thì ắt có cung, thực tế ngày càng có nhiều loại bánh Trung thu danh giá với những vật liệu "độc, lạ" như tổ yến, vi cá, bào ngư, trứng cá hồi, hải sâm... được đưa lên hàng "cao lương mỹ vị". Bên cạnh đó là những sản phẩm "canh tân" như các loại bánh Trung thu có nhân củ cải đường, phô mai, chocolate trắng... và các loại hạt như mắc ca, hạt dẻ, hạt thông... Thậm chí cả tỏi đen, đang còn rất nhiều tranh cãi về tác dụng.

Cũng vì thế không ít loại bánh có giá cao hơn rất nhiều so với đồng lương trung bình hằng tháng của công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất... Việc người này tặng quà người khác là hết sức bình thường trong đời sống xã hội. Nhưng tặng những món quà đắt tiền như vậy rõ ràng không phải chuyện bình thường. Theo nhiều nhà nghiên cứu xã hội, tặng quà Trung thu là một nét văn hóa của người Việt, nhưng việc lợi dụng bánh Trung thu để biếu quà chuộc lợi là hành vi cần loại trừ, bởi nó biến những món quà vốn mang ý nghĩa nhân văn trở thành cầu dẫn cho những mưu toan, của thói mua bán... Đáng quan ngại là thói xấu đó không chỉ lan tỏa trong những người có tiền, có nhiều tiền mà đã trở thành việc làm bình thường với nhiều người trong xã hội. Không ít người không có nhiều tiền đã "cắn răng" với những hộp bánh đắt tiền cho những ham muốn riêng bởi "mùa này tặng bánh là hợp nhất"...

Tết Trung thu của trẻ em đang bị biến tướng, bánh Trung thu cũng đang bị biến tướng. Đây không phải là câu chuyện mới, nhưng đáng buồn, nhiều năm qua vẫn gây bức xúc trong xã hội. Nói cách khác, nó như thứ bệnh kinh niên không có thuốc chữa dứt điểm. Thói cơ hội với tư tưởng thực dụng cực đoan không chỉ làm biến chất những thuần phong mỹ tục mà còn tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Đã đến lúc Nhà nước cần có quy định rõ ràng về giá trị những quà biếu mà "công bộc của nhân dân" được nhận và có chế tài giám sát việc nhận quà biếu của cán bộ công chức... Không nên để bánh Trung thu phải mang những "sứ mệnh thâm tình", càng không thể biến những mỹ tục trở thành cầu nối cho toan tính không minh bạch, vị kỷ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bánh Trung thu - sứ mệnh "thâm tình"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.