Hà Nội kết nối

Tạm giữ hơn 15.700 sản phẩm bánh kẹo, bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

Nguyễn Lê 05/09/2024 - 17:43

Nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với các loại bánh Trung thu luôn hiện hữu khi Tết Trung thu đến gần và TP Hồ Chí Minh đang siết chặt công tác quản lý.

Tại họp báo kinh tế - xã hội và một số vấn đề dư luận quan tâm do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức chiều 5-9, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong vài năm trở lại đây, thị trường bánh Trung thu ở thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng bắt mắt, giá thành hợp lý được nhập bằng đường chính ngạch, tiểu ngạch và do các cá nhân tự sản xuất thủ công, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Tuy nhiên, các loại bánh nêu trên có nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

cqltt-tphcm.jpg
Lực lượng quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm ở quận 12. Ảnh: Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh

Từ đầu tháng 8-2024 đến nay, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 24 vụ vi phạm đối với mặt hàng thực phẩm; trong đó, riêng đối với mặt hàng bánh kẹo, bánh Trung thu đã tạm giữ 15.749 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 150 triệu đồng; đã xử phạt với số tiền hơn 219 triệu đồng.

Công tác kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm.

banh-trung-thu.jpg
Thị trường bánh Trung thu tại thành phố Hồ Chí Minh rất sôi động. Ảnh: Trần Thanh

Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm bánh Trung thu nên chọn các cửa hàng, thương hiệu có uy tín, có đăng ký với cơ quan chức năng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi mua hàng trên mạng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, cần phải cẩn trọng, yêu cầu bên bán hàng cung cấp thông tin về nguồn gốc, địa chỉ nơi sản xuất kinh doanh, cung cấp hóa đơn theo đúng quy định.

Người tiêu dùng không sử dụng bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn mác. Ngoài ra, khi người tiêu dùng phát hiện sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cần thông báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật.

Thời gian gần đây, loại bánh Trung thu mochi chà bông trứng muối có nguồn gốc nước ngoài được nhiều người rao bán công khai trên mạng xã hội với mức giá 59.000 đồng/cái, trên sàn thương mại điện tử giảm giá chỉ còn 11.000 đồng/cái. Những loại bánh này thường không có nhãn mác bằng tiếng Việt. Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ giám sát chặt chẽ loại bánh này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạm giữ hơn 15.700 sản phẩm bánh kẹo, bánh Trung thu không rõ nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.