Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bàng hoàng đón cơn suy thoái

Vân Khanh| 02/05/2012 06:19

(HNM) - Sự suy sụp của nhiều nền kinh tế trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã làm nảy sinh mối nghi hoặc về những bất cập của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới này, đó cũng là nguyên nhân dẫn tới tình cảnh khó khăn hiện nay của một số quốc gia thành viên.

Khi câu trả lời cho mối nghi hoặc đó vẫn còn ở phía trước thì những quốc gia vốn chẳng sử dụng đồng euro vẫn không thể "miễn dịch" trước tác động của khó khăn từ Eurozone. Nước Anh hiện là ví dụ nổi bật cho nhận định này. Sự kiện xứ Sương mù vừa chính thức bước vào suy thoái với hai quý liên tiếp tăng trưởng âm đang là chuyện thời sự thu hút sự quan tâm tại Lục địa già những ngày qua.

Tiêu dùng suy giảm đang ngăn cản sự phục hồi của nền kinh tế Anh.

Tiêu tan hy vọng về một tăng trưởng khiêm tốn trong những tháng đầu năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I-2012 của Anh giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sẽ bớt âu lo nếu như nền kinh tế 2.400 tỷ USD ngay trước đó không trải qua mức suy giảm 0,3% trong quý IV-2011. Ngay từ thời điểm đó, những mối quan ngại về khả năng xuất hiện một đợt suy thoái mới sau khi xứ Sương mù mất tới 7,1% GDP trong giai đoạn 2008-2009 đã được nhắc tới. Mặc dù vậy, London vẫn mong điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Nhưng, nước Anh đã không thể trông đợi một cú đột phá ngoạn mục nào khi Eurozone - một thị trường chủ chốt với khoảng 40% hàng hóa từ Anh - lâm vào khốn khó. Như một tác động ngược, chính Eurozone đã trở thành bức tường khó vượt cho bước phục hồi của quốc đảo Sương mù. Vì thế, sản lượng của các ngành công nghiệp sản xuất tại Anh đã giảm tới 4,3% so với mức đỉnh của quý I-2008. Số liệu này dĩ nhiên không được London chờ đợi trong chiến lược mới với ưu tiên phát triển sản xuất để giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào lĩnh vực dịch vụ. Trong khi đó, những chương trình thắt chặt chi tiêu lớn nhất kể từ sau Thế chiến II tại Anh đang được nhìn nhận như một nguyên nhân khiến nền kinh tế Anh không thể tăng trưởng như mong muốn.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron vẫn bảo vệ chính sách khắc khổ đang được thực thi và xem đây là kế hoạch sống còn để nước Anh không tuột khỏi mức xếp hạng tín dụng AAA và bảo đảm chi phí vay mượn thấp. Với mức nợ đã ở ngưỡng kỷ lục 66% GDP trong tháng 3, tổng mức nợ của Anh hiện là 1.022 tỷ bảng (1.650 tỷ USD). Dù chưa rơi vào tình trạng mất cân bằng thu chi, nhưng đây hẳn không phải là ngưỡng an toàn. Việc có tránh được một cuộc khủng hoảng nợ như tại Eurozone hay không sẽ phụ thuộc vào hiệu quả của các chính sách tổng lực của London trên tất cả các bình diện, từ tỷ giá hối đoái, nới lỏng tiền tệ đến các kế hoạch giảm thất nghiệp hay thúc đẩy tiêu dùng... Đáng tiếc, cho đến nay, nỗ lực của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) bơm 325 tỷ bảng vào nền kinh tế từ khi khởi động chương trình kích thích cách đây hơn 3 năm vẫn chưa tạo được hiệu ứng như kỳ vọng. Không phải đến bây giờ mà kể từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra, GDP của Anh luôn ở vị trí áp chót trong khối G7, chỉ trên Italia. Có nhiều lý giải cho nghịch lý là dù không bị cơn bão nợ càn lướt, xứ Sương mù vẫn không thể nhấc mình khỏi quỹ đạo hồi phục yếu ớt. Một số chuyên gia tin rằng do khu vực tài chính này đã mở cửa quá rộng trong một thời gian dài nên khi thị trường toàn cầu này sụp đổ, nền kinh tế Anh đã hứng chịu cơn chấn động với tất cả sức mạnh của nó. Số khác lại đề cập tới chính sách tài khóa thắt chặt trong giai đoạn 2010-2011, đối lập với sự dễ dãi của hai năm trước đó đã gây hệ lụy…

Dù gì đi nữa, đã quá rõ rằng dẫu không là thành viên nhưng những biến cố mà Eurozone đang trải qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ nền kinh tế Anh. Đưa đất nước ra khỏi cơn suy thoái trong bối cảnh những người "hàng xóm" Châu Âu lẫn những đối tác tiềm năng như Mỹ hay Nhật Bản… đều đang gặp khó sẽ là cuộc sát hạch đầy khắc nghiệt với chính phủ của Thủ tướng David Cameron.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bàng hoàng đón cơn suy thoái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.