(HNMO) - Sáng 11/6, thảo luận về việc bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, điều mà nhiều đại biểu quan tâm là tính hiệu lực của nghị quyết Quốc hội khi mà danh mục dự án dùng vốn trái phiếu mới chỉ được thông qua chưa đầy 6 tháng trước.
Tại kỳ họp lần này, Chính phủ xin bổ sung thêm các dự án ngoài danh mục đã được Quốc hội phê duyệt gồm: Dự án xây dựng cầu Năm Căn (Cà Mau) 649 tỷ đồng; Dự án cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang) 291 tỷ đồng; Dự án xây dựng nhà ở sinh viên của Trường đại học Trà Vinh 320 tỷ đồng; Dự án bệnh viện ung thư Đà Nẵng 221,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận bổ sung với 935,873 tỷ đồng, là các dự án quan trọng để hoàn thành tuyến đường ven biển Ninh Thuận, góp phần triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, tăng khả năng quốc phòng an ninh biển đảo.
Bên cạnh một số ý kiến nhất trí với việc bổ sung các dự án trên, đa số ý kiến còn nhiều băn khoăn, chưa thật sự nhất trí.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo – Vĩnh Phúc cho rằng, Quốc hội cũng không nên quá cứng nhắc trong việc điều chỉnh, không phải cứ tuân thủ nguyên tắc 5 năm không điều chỉnh gì, nhưng nếu có điều chỉnh, chỉ điều chỉnh các danh mục thật sự cần thiết, trọng tâm và các dự án bổ sung phải là cấp bách, hỗ trợ lại cho sự phát triển chung.
"Những dự án này phải là những dự án mang tính đột phá, như đòn bẩy kéo nền kinh tế lên. Những dự án đó phải mang tính quốc gia, không mang tính địa phương", đại biểu Bảo nhấn mạnh.
Theo đại biểu Bảo, nếu chúng ta cứ bổ sung theo quan điểm "các địa phương chúng tôi cần rất nhiều dự án” thì sẽ có rất nhiều dự án cần phải bổ sung. Trong trường hợp cần thiết phải bổ sung, các đại biểu Quốc hội nên có nghị quyết ủy quyền cho UBTV Quốc hội để Quốc hội không phải bàn nhiều mỗi lần Chính phủ xin bổ sung.
Đại biểu Lê Đình Khanh – Hải Dương cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc mới chỉ có mấy tháng kể từ khi Quốc hội ra nghị quyết về danh mục các công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 và Chính phủ còn chưa phân bổ xong nguồn vốn này thì đã lại trình Quốc hội bổ sung dự án mới. Theo đại biểu Khanh, nếu mang các dự án ra bàn thảo thì tỉnh nào cũng khẳng định công trình của tỉnh mình là "cấp bách" cả.
"Để đảm bảo tính nghiêm túc của nghị quyết của Quốc hội, tôi đề nghị tiền đầu tư cho XDCB không phải cứ dựa vào nguồn trái phiếu, nên chăng lấy từ nguồn khác, còn nguồn trái phiếu thì cứ thực hiện như nghị quyết", đại biểu Khanh nói.
Đại biểu Khanh cũng đề nghị, hướng sắp tới cần đưa nguồn vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách để tránh chạy chọt, xin-cho và cần có sự công khai, minh bạch và nguyên tắc thực hiện chặt chẽ.
Ủng hộ việc đưa nguồn trái phiếu Chính phủ vào ngân sách, đại biểu Bùi Thị An – Hà Nội đề nghị Quốc hội xem lại cách làm ngân sách của Quốc hội. Theo đại biểu An, ngân sách rất quan trọng để điều hành quốc gia, Quốc hội không nên quyết ngân sách theo kiểu hình thức. Đặc biệt, khi Quốc hội vừa bàn về Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội thì đổi mới trong việc phê duyệt ngân sách phải là điều quan trọng số 1.
Về việc Chính phủ xin bổ sung các dự án mới, đại biểu An đồng tình, nghị quyết của Quốc hội nếu như chưa chuẩn cũng có thể chỉnh, không cứng nhắc, nhưng không nên chỉnh nhiều. Tuy nhiên, Chính phủ và Quốc hội nên nghiên cứu huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng từ các nguồn khác, không phải từ ngân sách, như vậy sẽ hiệu quả hơn, chống thất thoát.
Cùng băn khoăn về kỷ luật thực thi nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Bùi Mạnh Hùng – Bình Phước phân tích: Tại kỳ họp thứ 2 vừa qua của Quốc hội, khi Chính phủ báo cáo về tình hình nợ công, đầu tư công có cho biết, trái phiếu Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2003-2010 đã quyết vượt hơn 10 lần so với Nghị quyết năm 2002 của Quốc hội. Điều đáng nói là các công trình này đều do Chính phủ trình và Quốc hội quyết thông qua. Như vậy, chính Quốc hội đã góp phần làm tăng nợ công và thực hiện không đúng nghị quyết của mình.
"Nếu lần này, chúng ta lại tiếp tục làm như vậy thì lại rơi vào tình trạng như khóa trước", đại biểu Hùng nói.
Chia sẻ về sự cấp thiết với các dự án xin bổ sung, đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu nhìn các dự án này trong tổng thể các dự án đã trình để xem xét theo tinh thần tái cấu trúc đầu tư thì thứ tự, tiêu chí ưu tiên của các dự án chưa rõ ràng.
Đại biểu Lịch cũng đề nghị, không phải chỉ với 5 dự án này, mà các danh mục dự án trình Quốc hội tại kỳ họp trước đã được chuẩn bị từ lâu, nhưng nay, với tinh thần tái cấu trúc, Chính phủ cũng nên có sự sắp xếp lại thật tổng thể.
"Tôi ủng hộ việc đầu tư cho giao thông. Đầu tư cho giao thông là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là làm sao không để thất thoát, chất lượng tốt, giá thành không tiêu cực", đại biểu Lịch nói.
Đại biểu Lịch kiến nghị Quốc hội nên có giám sát chuyên đề về đầu tư giao thông và qua giám sát, trả lời câu hỏi: Tại sao làm giao thông ở Việt Nam đắt mà chất lượng lại kém như vậy?
"Nếu chúng ta trả lời được câu hỏi này thì chúng ta mới an tâm đầu tư vào giao thông. Kỳ họp tới, tôi đề nghị chúng ta rà soát lại tất cả các dự án theo tinh thần tái cấu trúc và thảo luận nghiêm túc", đại biểu Lịch nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.