Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn về nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước

H.Vân| 26/05/2015 11:07

(HNMO) – Tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội về dự án Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi ngày 26/5, nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước như quy định hiện hành để đảm bảo tính đặc thù, tính độc lập và ổn định của Kiểm toán nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.


Cùng với đó, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát nghiên cứu để hoàn chỉnh dự thảo luật, chuẩn hóa thêm về từ ngữ, bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi, nhấn mạnh và làm rõ hơn một số quy định cụ thể lien quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, về giải thích từ ngữ, về đối tượng của Kiểm toán nhà nước cũng như những hoạt động, nguyên tắc hoạt động của Kiểm toán nhà nước, những chuẩn mực của Kiểm toán nhà nước, giá trị pháp lý của báo cáo Kiểm toán nhà nước…

“Dự thảo cần xem xét lại cách diễn đạt nội dung về mục đích kiểm toán vì chưa nêu bật mục đích hoạt động có tính đặc thù của Kiểm toán nhà nước, mặt khác việc diễn đạt về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công còn trùng lắp, vì tài chính thể hiện giá trị hoặc nội dung của tài sản. Do đó sử dụng tài chính công và tài sản cũng có ý nghĩa giống nhau”, đại biểu Thân Đức Nam - TP Đà Nẵng góp ý.

“Chúng tôi đề nghị bổ sung một nguyên tắc rất quan trọng và nguyên tắc này đã được quy định trong luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật Thanh tra, đó là hoạt động kiểm toán là không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức là đối tượng của kiểm toán. Đây là một nguyên tắc cần phải được bổ sung, bởi vì nó liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan”, đại biểu Nguyễn Đình Quyền – Hà Nội đề nghị.

Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn nữa các hành vi cấm, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước, trong đó quy định chặt chẽ hơn nữa trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong hoạt động Kiểm toán nhà nước nói chung cũng như về tính chính xác, đúng đắn, kịp thời đầy đủ của các báo cáo, các kết luận và kiến nghị của kiểm toán.

“Việc sửa Luật Kiểm toán lần này là tăng thêm trách nhiệm, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán rất lớn. Nhưng tôi cho rằng chúng ta mới tăng nhiệm vụ, quyền hạn, còn trách nhiệm tôi cảm thấy chưa rõ, chưa tương xứng. Bởi vì kiểm toán xong một đơn vị nhưng mấy hôm sau người ta bị bắt, người kiểm toán không chịu trách nhiệm gì”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng nhận xét.



Về nhiệm kỳ Kiểm toán Nhà nước, bên cạnh một số ý kiến đề nghị 5 năm, nhiều đại biểu cũng đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là 7 năm.

Ủng hộ việc giữ nguyên nhiệm kỳ của kiểm toán Nhà nước như quy định hiện hành, các đại biểu Vương Đình Huệ - Bình Định, Bùi Đức Thụ - Lai Châu, Nguyễn Văn Phúc - Hà Tĩnh cho rằng, quy định này giúp đảm bảo tính đặc thù, tính độc lập và ổn định của Kiểm toán nhà nước và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Để đảm bảo tính ổn định của Kiểm toán nhà nước thì các nước quy định nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước hầu hết không theo nhiệm kỳ của Quốc hội, mà có nhiệm kỳ rất dài, có nước 9 năm, có nước 12 năm, có nước quy định từ khi được bầu đến khi không còn đủ sức khỏe hoặc bị vi phạm kỷ luật”, đại biểu Huệ nói.

Lý giải về lý do nên quy định 7 năm, đại biểu Huệ cho biết, vì nhiệm kỳ nhà nước là 5 năm, và thời hạn thông qua quyết toán ngân sách nhà nước là 18 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc, Luật Ngân sách cũ và luật mới dự thảo sửa đổi cũng quy định là 18 tháng. Do đó, phải có tính liên tục để Tổng kiểm toán nhà nước đảm đương việc này, tròn 7 năm.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn - Nam Định cho rằng, nếu nói nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán phải là 7 năm để cho phù hợp với chu kỳ chúng ta làm kiểm toán, quyết toán ngân sách thì 7 năm cũng không phù hợp. Vì chúng ta làm quyết toán ngân sách Nhà nước mất 18 tháng, nếu tính tròn là 2 năm, nên nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nhà nước phải là bội số của 18 tháng hoặc là bội số của 2 năm mới phù hợp.

“Tôi cho rằng vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước nên là 5 năm để nó thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị chúng ta. Có thể nói, trong hệ thống chính trị của chúng ta tất cả các chức danh, các vị trí chúng ta đều làm 5 năm. Cũng không nên có một chức danh nào đấy lại là 7 năm”, đại biểu Sơn nói.

Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn nữa trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước cũng như mối quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân, cũng như đối với các đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát và mối quan hệ giữa Ủy ban Tư pháp, các cơ quan tư pháp với Kiểm toán nhà nước.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Thái Bình, việc quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của Kiểm toán nhà nước trong dự luật mới chỉ dừng ở quy định cho chức danh tổng kiểm toán cùng các chức danh mang tính nội bộ, chưa quy định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức Kiểm toán nhà nước đối với toàn dân, Quốc hội và đối với tổ chức được kiểm toán. Trong khi trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan tổ chức bao gồm cả Quốc hội, Chính phủ... và tổ chức được kiểm toán đối với tổ chức kiểm toán nhà nước lại được quy định tương đối đầy đủ rõ ràng. Điều này cho thấy, việc soạn thảo luật còn nặng về quy định cho tổ chức kiểm toán nhà nước chứ chưa thật rõ nét, đậm nét, công bằng khách quan với mọi đối tượng khi tham gia các hành vi được luật điều chỉnh.

Bàn về trách nhiệm của HĐND trong hoạt động kiểm toán, đại biểu Đặng Đình Luyến - Khánh Hòa nhận xét, cách quy định trong dự luật không đặt HĐND đúng vị trí, vai trò của một cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, thực hiện Nghị quyết của HĐND mà vô hình dung coi HĐND là một cơ quan giúp việc, cơ quan hỗ trợ cho hoạt động Kiểm toán nhà nước, cho các đoàn Kiểm toán nhà nước về địa phương. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên cân nhắc, sửa lại điều này để đặt đúng vị trí, vai trò của HĐND với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, trong đó giám sát cả hoạt động của kiểm toán tại địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn về nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.