Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bàn đạp” cho hành trình quảng bá văn học

Hà Dương| 30/05/2014 06:41

(HNM) - Sự kiện ra mắt Trung tâm Dịch thuật thuộc Hội Nhà văn Việt Nam ngày 26-5 có thể xem là bước khởi đầu của hành trình dài nhằm quảng bá văn học Việt ra thế giới. Sự ra đời của trung tâm cũng được văn giới đánh giá là một dấu mốc đáng kể.

Tôi đã chờ 50 năm rồi

Đó là tâm trạng của lão dịch giả Ông Văn Tùng. Ông cho rằng sẽ là sự thiệt thòi to lớn nếu chúng ta lãng quên việc quảng bá văn chương Việt ra nước ngoài.

Thực tế văn học Việt Nam ở nước ngoài vẫn gần như là vùng trắng. Sự hạn chế này dẫn tới hệ lụy là thế giới không nhận biết đầy đủ diện mạo của một nền văn học, nói rộng ra là cả một nền văn hóa rực rỡ đã được chưng cất qua nhiều biến cố lịch sử, mang tầm vóc nhân loại. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Việt Nam cần được biết đến nhiều hơn trên bình diện thế giới không chỉ qua những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà còn cần được biết tới như một quốc gia có nền văn hóa đáng được chiêm ngưỡng.

Bởi vậy, dễ hiểu vì sao sự ra đời của Trung tâm Dịch thuật được văn giới mong mỏi đến vậy, đặc biệt là kể từ sau Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài được tổ chức năm 2010. Không chỉ có dịch giả trong nước mà nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả ở nước ngoài nghe tin này đều bày tỏ sự vui mừng và hy vọng trung tâm sẽ nhanh chóng hoạt động hiệu quả

Chuẩn bị lực lượng và kêu gọi kinh phí

Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định nguồn kinh phí cho hoạt động dịch, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới là do Nhà nước tài trợ, tuy nhiên trung tâm sẽ chủ động kêu gọi, tiếp nhận các nguồn kinh phí xã hội hóa dành cho hoạt động ý nghĩa này. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đồng thời là Giám đốc Trung tâm, 5 phương thức hoạt động sẽ được cụ thể hóa thành các dự án, gồm dịch trọn vẹn tác phẩm của các tác giả Việt Nam, xuất bản ở nước ngoài; giới thiệu văn học Việt Nam trên các tạp chí văn học của thế giới (từ năm 1975 đến nay, có khoảng trên 50 tạp chí văn chương của các trường Đại học Mỹ trích thơ, văn của Việt Nam); thành lập website văn học Việt Nam bằng tiếng Anh; giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam trên tạp chí Hoa Sen (Hội Nhà văn Á - Phi); giao lưu văn hóa văn học với các nước.

Có thể hình dung khó khăn trước mắt, đáng kể nhất, như nhiều dịch giả đã nêu là dịch thuật cần có kinh phí và một đội ngũ làm nghề chắc tay bởi dịch ngược phức tạp hơn dịch xuôi rất nhiều. Ngoài ra, việc chọn các tác phẩm để dịch cũng đòi hỏi sự đầu tư đáng kể… Theo dịch giả Lê Bá Thự, Ba Lan có hẳn một viện sách với một nguồn kinh phí lớn để mỗi năm có thể dịch và xuất bản vài trăm đầu sách ra thế giới. Tại nước Nga, theo dịch giả Lê Đức Mẫn, Nhà nước có chính sách cụ thể cho việc dịch thuật, mục tiêu không có gì khác ngoài quảng bá văn học, văn hóa xứ sở Bạch Dương ra thế giới... Giới phân tích chỉ ra rằng Trung tâm Dịch thuật của Việt Nam cần tập hợp đội ngũ dịch giả chất lượng, trong đó, đáng chú ý là những người nước ngoài am hiểu văn học, ngôn ngữ Việt Nam.

Có thể thấy, dù muộn màng nhưng sự ra đời của trung tâm cho thấy chiến lược dài hơi nhằm quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới đã chính thức được khởi động. "Đây là hoạt động vô cùng quan trọng nhằm bộc lộ tính cách Việt, vẻ đẹp Việt, hiển lộ vị trí, bản sắc của Việt Nam trên thế giới", ông Nguyễn Quang Thiều nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bàn đạp” cho hành trình quảng bá văn học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.