Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bán đảo Triều Tiên: Hy vọng lại dấy lên

Đình Hiệp| 09/03/2012 06:26

(HNM) - Một tuần sau khi Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố đồng ý ngừng các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa cũng như chương trình làm giàu urani để đổi lấy 240.000 tấn hàng viện trợ từ Washington, bán đảo Triều Tiên lại vừa đạt được một bước tiến mới.

Dù chỉ diễn ra một ngày và thông tin chưa được tiết lộ, nhưng cuộc hội đàm (ngày 7-3) giữa Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề nhân quyền Triều Tiên Robert King và Vụ phó Vụ Các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên An Myong Hun tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho thấy có bước chuyển động mới trong nỗ lực của các bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thỏa thuận “đổi chương trình hạt nhân lấy lương thực” có ý nghĩa quan trọng với Triều Tiên trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Cuộc hội đàm là bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa cam kết "đổi chương trình hạt nhân lấy lương thực", diễn ra lần lượt tại Đại sứ quán hai nước ở thủ đô Bắc Kinh lần này không nằm ngoài mục đích thảo luận việc giám sát cũng như các vấn đề liên quan nhằm bảo đảm rằng, hàng viện trợ sẽ đến tay người dân Triều Tiên. Cuộc hội đàm song phương này còn mang ý nghĩa quan trọng hơn khi nó "dọn đường" cho các quan chức của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sớm trở lại Triều Tiên giám sát việc ngừng các hoạt động hạt nhân tại tổ hợp Yongbyon. Vì thế, việc hai bên đạt được tiến triển mới dù chỉ với khẳng định duy nhất là sẽ tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo đã làm dấy lên hy vọng về một vòng đàm phán mới tích cực hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Là một phần của thỏa thuận mà hai bên đạt được sau cuộc đối thoại cấp cao lần thứ ba tại Bắc Kinh hồi cuối tháng hai vừa qua, chương trình viện trợ lương thực từ Mỹ có ý nghĩa quan trọng với Triều Tiên trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung hiện nay. Ước tính mới đây của Liên hợp quốc cho thấy, Triều Tiên thiếu hụt khoảng 400.000 tấn lương thực do tác động của thiên tai cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ. Cùng với đà tăng giá lương thực toàn cầu, sự khắc nghiệt của thời tiết năm qua đã khiến vụ mùa chính gồm lúa mì và lúa mạch của Triều Tiên mất mùa 50 đến 80%, đẩy nước này đứng trước nhiều khó khăn trong việc đáp ứng đủ lương thực cho người dân. Sự thiếu hụt lương thực trầm trọng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở 32% trẻ em Triều Tiên, tại một số vùng tỷ lệ này còn tăng lên tới 45%. Trước những khó khăn như vậy, khoản viện trợ lương thực đầu tiên của Chính phủ Mỹ cho Triều Tiên trong vòng ba năm qua được đánh giá là tích cực và có ý nghĩa.

Tuy nhiên, trái với bầu không khí hòa dịu sau hội đàm song phương vừa kết thúc, một loạt cuộc tập trận chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc luôn là cái cớ gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Không dừng lại ở những cuộc tập trận, ngay trong ngày diễn ra hội đàm song phương Mỹ - CHDCND Triều Tiên (7-3), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin đã đưa ra cảnh báo sẽ trả đũa mạnh mẽ với Triều Tiên nếu bị khiêu khích một lần nữa. Binh sỹ Triều Tiên cũng thao diễn bắn đạn thật dọc bãi biển Tây nam nước này để đáp lại những cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc.

Cùng với thỏa thuận đạt được cuối tháng 2 vừa qua, kết quả cuộc đàm phán Mỹ - Triều Tiên vừa khép lại không chỉ góp phần "hạ nhiệt" trên bán đảo Triều Tiên mà còn là bước tiến cơ bản mở ra cơ hội nối lại đàm phán sáu bên. Hơn bao giờ hết, cả Mỹ và Triều Tiên đều đã cân nhắc kỹ đến lợi ích chính trị đối nội trước khi đi đến cuộc gặp tại Bắc Kinh. Thế giới hy vọng tuyên bố tạm ngừng làm giàu urani của Bình Nhưỡng và nối lại viện trợ lương thực của Washington sẽ tạo tiền đề cho những bước đi tích cực tiếp theo. Song, những gì đang diễn ra cho thấy, để đi đến đích cuối cùng sẽ là một chặng đường không ít khó khăn đòi hỏi sự hợp lực lớn của các bên liên quan, trong đó Mỹ và Triều Tiên luôn là "nhân vật chính".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bán đảo Triều Tiên: Hy vọng lại dấy lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.