(HNM) - Những ngày qua, nhiều tờ báo uy tín trên toàn cầu đã đồng loạt đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra chỉ thị, yêu cầu người dân tại thủ đô Bình Nhưỡng di tản ngay lập tức. Báo Pravda của Nga thậm chí còn cho biết, đã có hơn 600.000 người, chiếm gần 25% dân số của Bình Nhưỡng, được sơ tán khẩn khỏi thành phố này trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫy chào người dân trong một sự kiện tại Bình Nhưỡng. |
Theo Pravda, việc di tản có thể là để bảo đảm số hầm tránh bom tại Bình Nhưỡng đủ cho dân cư ở lại sử dụng nếu chiến tranh xảy ra. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành những động thái khó lường, bao gồm cả việc thử hạt nhân lần thứ 6 hoặc phóng thêm tên lửa tầm xa, bất chấp những lệnh trừng phạt do Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều quốc gia áp đặt.
Trong khi đó, giới phân tích cũng cho rằng nguy cơ về một cuộc xung đột chưa bao giờ tăng cao đến vậy trong thời gian gần đây. Mỹ đã đưa hạm đội tàu sân bay USS Carl Vinson với 154 tên lửa Tomahawk đến bờ biển gần bán đảo Triều Tiên. Trước đó, Bình Nhưỡng từng tuyên bố rằng nước này sẽ đáp trả một cách cứng rắn nhất nếu Washington đưa các khí tài chiến lược tới gần bán đảo Triều Tiên. Thực tế, sau khi bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào một sân bay tại Syria và thả “siêu bom” GBU-43/B vào lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Afghanistan, Mỹ được cho là đã gửi đi thông điệp cứng rắn với Triều Tiên. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố đã “hết kiên nhẫn” với chính quyền Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, vào những ngày này, hơn 200 phóng viên nước ngoài có mặt tại Triều Tiên cũng đang trải qua những giờ phút hồi hộp xen lẫn tò mò khi được yêu cầu chuẩn bị cho một “sự kiện trọng đại” vào ngày 15-4. Đây là thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm lần thứ 105 Ngày sinh cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) mà Bình Nhưỡng gọi là Ngày Mặt trời.
Những diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang khiến nhiều quốc gia láng giềng phải lo ngại. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong ngày 14-4 đã lên tiếng, cho rằng việc ngăn chặn căng thẳng leo thang là cần thiết và “việc sử dụng các lực lượng quân sự sẽ không giải quyết được vấn đề gì”. Về phần mình, bên cạnh việc giữ liên lạc liên tục với các đồng minh, Nhật Bản thậm chí đã tính tới việc sơ tán gần 60.000 công dân tại Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Trong khi đó, Nhà Xanh không khỏi lo lắng vì nếu xung đột diễn ra chắc chắn sẽ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của 25 triệu dân Seoul và các thành phố vệ tinh do khu vực này nằm rất gần biên giới liên Triều. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các phóng viên Reuters, người dân tại thủ đô Seoul vẫn duy trì nhịp sống hằng ngày và hầu như không có hoạt động tích trữ hay chuẩn bị nào cho chiến tranh diễn ra.
Trong ngày 13-4, phát biểu tại sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến tranh đặc biệt của Lục quân Hàn Quốc tại Incheon, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn cho biết đã ra lệnh cho quân đội nước này duy trì tình trạng sẵn sàng ở mức cao nhất trước khả năng Bình Nhưỡng có thể thực hiện các hành động khiêu khích.
Có thể thấy, cứ mỗi giờ đồng hồ tiến gần tới mốc thời điểm 15-4, hầu như mọi bên liên quan tới bán đảo Triều Tiên đều thăm dò, đánh giá từng động tĩnh của chính quyền đất nước được coi là “kỳ bí nhất thế giới”. Trong tình trạng ấy, một tín hiệu nhỏ nhất bị hiểu lầm cũng có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, sự kiềm chế, lắng nghe và hành xử thận trọng mới có thể giúp giải tỏa căng thẳng vào lúc này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.