(HNM) - Đầu tư là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công lại càng quan trọng, đóng vai trò quyết định tốc độ tăng trưởng của đầu tư nói chung...
Nếu so với đánh giá của Chính phủ dịp 6 tháng đầu năm 2017 (tình hình giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán năm 2017 được Quốc hội thông qua đạt thấp hơn so với cùng kỳ) thì đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước trong 7 tháng có cao hơn so với năm 2016; tuy nhiên so với tổng vốn kế hoạch năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội thì con số này mới ở mức tương đương cùng kỳ năm trước.
Rõ ràng, sự chuyển biến là có song chưa đáng kể và thiếu bền vững, nhất là khi nhiều bộ, ngành thậm chí có vốn giải ngân giảm so với cùng kỳ. Trong hoạt động kinh tế, đồng tiền đầu tư không chỉ xác lập giá trị bằng số lượng mà còn bằng thời điểm giải ngân. Chừng 300.000 tỷ đồng còn tồn đọng, không được lưu thông; tình trạng có tiền mà không tiêu được cũng phải xem như một sự lãng phí nguồn lực của Nhà nước và của xã hội.
Nguyên nhân thì nhiều bộ, ngành, địa phương đã trình bày; có cả yếu tố khách quan, chủ quan và đúng như Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 3-8-2017 “về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công” của Chính phủ đã chỉ rõ: “Chủ yếu là giao vốn còn chậm; thủ tục đầu tư xây dựng còn phức tạp, công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành và địa phương còn thiếu quyết liệt”.
Bắt đầu từ nguyên nhân, để khơi thông nguồn vốn, trước hết phải bám rất sát các giải pháp được nêu trong Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 3-8-2017.
Có thể thấy, các giải pháp thể hiện rõ tinh thần vào cuộc ngay, nghiêm túc nhưng cũng hết sức linh hoạt. Vì vậy, tùy từng đặc điểm, vướng mắc lớn của đơn vị mình mà bộ, ngành địa phương lựa chọn và bám sát vào nhóm giải pháp mang lại hiệu quả nhất. Ví dụ như có thể rà soát, đề xuất chuyển kế hoạch vốn năm nay từ dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ tốt, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cũng cần tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ đối với bộ, ngành về thanh toán cho các dự án đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc để có thể đẩy nhanh lưu thông vốn. Muốn được như vậy, chính quyền các địa phương nơi có dự án phải tăng tính chủ động, nắm rõ giải pháp đưa ra trong Nghị quyết trên để chỉ đạo, phối hợp tháo gỡ.
Đặc biệt, cũng theo tinh thần trên, chỉ khi bám sát thực tế tình hình và hệ thống giải pháp thì bộ, ngành liên quan mới phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để xử lý ngay vướng mắc phát sinh, tránh dồn vào cuối năm, làm chồng chất thêm việc khó.
Song song với đó, trong quý III cũng là thời điểm các đơn vị không thể quên việc tổng hợp, đề xuất sửa đổi những bất cập, hạn chế do chính sách lỗi thời, rồi tình trạng chồng chéo trong các quy định… gây ra. Từ đây dần khắc phục tình trạng dự án “thai nghén” thủ tục tới… 9 tháng như đã từng được nêu.
Cuối cùng, Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Với động thái quyết liệt này, các đơn vị liên quan đều thấy rõ chỉ có cách dựa vào các hệ thống giải pháp đã được nêu, tích cực giải quyết vấn đề thì mới có được động lực giúp dòng chảy vốn đầu tư công vượt qua điểm nghẽn, tạo đà cho cả nền kinh tế nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.