(HNM) - Lạm phát đang gần kề khi giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng bình quân khoảng 15-30% trong thời gian qua. Nguyên nhân được lý giải là do giá xăng, dầu và nguyên, vật liệu đầu vào tăng làm đội chi phí sản xuất...
Thông thường cứ đến Tết Nguyên đán, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tăng. Đợt biến động giá cả này được coi là định kỳ, do nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến, sau đó giá hàng hóa lại giảm về mức bình thường. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giá hàng hóa tăng mà không giảm, thậm chí tiếp tục đà đi lên thời gian gần đây theo giá xăng, dầu.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ năm 2021. Dư địa tăng CPI để đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 2022 chỉ còn 1,75% cho những tháng còn lại. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ rất khó giữ CPI ở mức 4% như chỉ tiêu đề ra. CPI ở mức tiệm cận hoặc bằng 5% trong năm nay sẽ là một thành công trong kiểm soát lạm phát.
Quả thật, kiểm soát lạm phát đang là bài toán khó. Không chỉ do giá xăng hay giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, lo ngại lạm phát còn khởi nguồn từ tăng trưởng tín dụng ngân hàng, từ việc giải ngân các gói hỗ trợ, tăng mức đầu tư công cho hạ tầng kinh tế - xã hội. Thông thường, tín dụng ngân hàng tăng mạnh vào thời điểm cuối năm, nhưng đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ.
Ở mặt tích cực, điều đó cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế khi doanh nghiệp gia tăng sản xuất, kinh doanh nên cần vốn phát triển; nhưng mặt khác, nó có thể dẫn đến lạm phát. Hay, đầu tư công được coi là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hơn 2 năm qua nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng dòng vốn đầu tư công cũng tác động đến chỉ số lạm phát.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Ngân hàng tiếp tục kiểm soát, hướng dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh thay vì những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy để các dự án sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả, biến thành các lợi ích kinh tế, xã hội. Song, tác động từ bên ngoài, hay như các chuyên gia gọi là “lạm phát nhập khẩu”, sẽ khó xử lý hơn. Vì vậy, bài toán lạm phát cần có lời giải tổng thể.
Theo đó, đà tăng giá xăng, dầu chưa biết bao giờ dừng nên phải có biện pháp kiềm chế từ chính sách thuế, phí. Giá nguyên vật liệu tăng thì cần chủ động tìm nguồn cung mới, tốt nhất là nguồn trong nước để hạn chế nhập khẩu. Ngân hàng nào không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, quản trị rủi ro tốt có thể được tạm ứng hạn mức tín dụng để phục vụ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, góp phần phục hồi nền kinh tế…
Ngoài ra, về vĩ mô, các giải pháp hành chính vẫn có thể sử dụng linh hoạt để kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị tiền đồng, bởi đó cũng là cơ sở bảo đảm cho tăng trưởng bền vững. Ở cấp vi mô, các giải pháp cần thiết là kiểm soát cung - cầu hàng hóa, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi; xử lý hiện tượng lợi dụng giá xăng tăng để tăng giá hàng hóa bất hợp lý, găm hàng, đầu cơ trục lợi… Trong bối cảnh người tiêu dùng đang chịu gánh nặng chi phí, giải pháp bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu cần được tính đến bên cạnh việc đẩy nhanh chính sách hỗ trợ người lao động, người nghèo... Khó có thể đáp ứng mong muốn giá hàng hóa trở về như cũ, nhưng quyết không thể để lạm phát phi mã.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.