Văn hóa

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Yêu Hà Nội từ cao nguyên xanh (kỳ cuối)

Nguyễn Trọng Văn 14/08/2024 10:00

Công việc làm báo giúp Trần Ngọc Trác có nhiều dịp tới khắp các “hang cùng ngõ hẻm” ở khu KTM Hà Nội tại Lâm Đồng. Có khi ông còn ngủ lại để lắng nghe những câu chuyện của người Hà Nội.

Nỗi nhớ Thủ đô của những người Hà Nội ở vùng KTM thấm vào tâm trí người phóng viên trẻ. Trần Ngọc Trác kể: “Bao nhiêu câu chuyện xưa của Hà Nội mà tôi được nghe cứ ùa về, giúp tôi có thêm nhiều tư liệu sinh động khi viết báo. Từ đó, tôi yêu Hà Nội sâu nặng hơn”.

Nâng ly cà phê, Trần Ngọc Trác dường như không uống mà chỉ thưởng thức mùi vị của nó. Hồi lâu sau ông nói: “Chẳng cứ gì tôi, mà hễ bất cứ ai đã từng sống, làm việc ở khu KTM Hà Nội ở Lâm Đồng đều tự hào mình là “người Hà Nội”".

Nghe Trần Ngọc Trác nói vậy, tôi tin ngay, bởi người ở vùng KTM này khi mới gặp nhau thường hỏi: “Nhà ông ở đâu?”, tức thì được nghe câu trả lời: “Nhà tôi ở khu phố Ba Đình”, hay “Nhà mình ở khu phố Đống Đa”... Nếu là chỗ quen thân thì hứng lên lại rủ nhau lên Mê Linh, Gia Lâm chơi hay vào khu phố Thăng Long uống rượu...

Trần Ngọc Trác bảo: “Người Hà Nội vào đây lập nghiệp nhưng không quên quê cũ, ngoài việc hằng năm vợ chồng con cái đưa nhau ra Bắc thăm cha mẹ, ông bà, thì ngay cách đặt tên địa danh ở đây cũng vẹn nguyên “chất Hà Nội” anh ạ”.

7.jpg
Mùa ngô đầu tiên của người Hà Nội trên "quê hương mới" Lâm Hà. Ảnh: Trần Ngọc Trác

Ở khu KTM Hà Nội ở Lâm Đồng trước kia hay huyện Lâm Hà ngày nay, những địa danh gắn với Thủ đô Hà Nội vẫn được lưu giữ. Cách đặt tên khu phố hay tên xã ở Lâm Hà không chỉ nêu rõ địa bàn này là cư dân nơi nào ở Hà Nội vào đây lập nghiệp, mà còn cho thấy dấu ấn Hà Nội không phai mờ. Cùng với giọng Hà Nội “không lẫn đi đâu được” thì những địa danh nơi đây khiến người ta có cảm giác như Hà Nội vẫn gần gũi, vẫn hằng ngày bên họ.

Chất liệu từ những lần đi cơ sở được Trần Ngọc Trác ghi chép, chuyển tải thành những bài báo, bút ký hoặc làm thơ. Những điều nghe, thấy được từ mảnh đất Lâm Hà giúp ông có nhiều tư liệu quý. Ông đã từng vinh dự được gặp Tổng Bí thư Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu khi các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm Lâm Hà; gặp gỡ các văn nghệ sĩ như Quang Dũng, Trần Hoàn, Phạm Tuyên, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Lưu Trọng Lư, Đinh Thìn, Thanh Hoa… ngay ở vùng KTM Hà Nội tại Lâm Đồng. Và ông đã viết về những nhân vật ông có dịp được gặp gỡ, chuyện trò…

5-1-.jpg
Cầu mới trên đất mới Lâm Hà. Ảnh: Trần Ngọc Trác

Tháng 10-1987, vùng KTM mới Hà Nội ở khu vực Nam Ban, Lán Tranh sáp nhập với 5 xã Đạ Đờn, Phi Tô, Phú Sơn, Tân Văn và thị trấn Đinh Văn của huyện Đức Trọng để trở thành huyện mới Lâm Hà (với ý nghĩa là Lâm Đồng - Hà Nội). Đây cũng là thời điểm Khu KTM Hà Nội ở Lâm Đồng kết thúc “sứ mệnh lịch sử” của mình. Và nhà báo, nhà thơ Trần Ngọc Trác cũng chuyển về thành phố Đà Lạt sinh sống, làm việc.

tran-ngoc-trac.jpg
Một cuốn sách của nhà báo, nhà thơ Trần Ngọc Trác. Ảnh: Trọng Văn

Sau khi nhấp ngụm cà phê, Trần Ngọc Trác nói nhỏ: “Cho dù có đi đâu, làm gì thì tôi vẫn yêu vùng đất KTM của người Hà Nội tại Lâm Đồng, bởi tôi đã có 14 năm trực tiếp gắn bó với mảnh đất này. Thậm chí sau này, khi cả gia đình tôi về định cư ở Đà Lạt, năm nào tôi cũng trở lại vùng đất này nhiều lần và được đón nhận những tình cảm đặc biệt của người Hà Nội. Cũng vì thế, lúc nào tôi cũng khuyên dạy các con mình phải làm điều ngay, điều tốt, không lừa lọc, không dối trá với ai. Mảnh đất KTM của người Hà Nội cho tôi rất nhiều bài học quý giá”.

Vùng KTM Hà Nội tại Lâm Đồng là nơi nhà báo, nhà thơ Trần Ngọc Trác gắn bó sâu nặng từ thời trai trẻ đầy khát vọng. Ông có thể kể mãi những câu chuyện về vùng đất và con người nơi đây. Ông coi những người dân nơi đây như người trong gia đình, dòng tộc của mình. Họ cũng rất thân thiết, tin cậy gửi gắm bao điều cho ông. Được như vậy là do ông sống thật lòng, cởi mở, chan hòa gần gũi và tin cậy họ.

Trần Ngọc Trác thường xuyên về thăm Lâm Hà, bởi ở đó, ông có rất nhiều người quen thân. Chuyến đi về thị trấn Nam Ban của đoàn nghệ sĩ điện ảnh Hà Nội chúng tôi cũng chính ông là người dẫn đường. Đến đâu cũng thấy ông chuyện trò rôm rả, đến nhà nào cũng thấy ông thuộc vanh vách từng thành viên một, rồi ông còn nhắc lại những kỷ niệm xưa. Ông đã cho tôi xem một số bức ảnh mà ông cất giữ rất cẩn thận. Tôi nhận ra đây là những bức ảnh chụp rất chân thật và là nguồn “sử liệu” quý giá về mảnh đất Lâm Hà. Phải là người có trách nhiệm với công việc, phải là người yêu Hà Nội sâu sắc lắm thì mới cất giữ được những bức ảnh không thể có được lần thứ hai ấy.

tan-ngoc-trac-o-tuyen-quang.jpg
Nhà báo, nhà thơ Trần Ngọc Trác. Ảnh tư liệu

Nhớ về những kỷ niệm với người Hà Nội trên đất Lâm Hà ngày nào, Trần Ngọc Trác đã viết trong cuốn sách “Ký ức Nam Ban” (NXB Hội Nhà văn - 2018) như sau:

“Mảnh đất tưởng chừng như để lại những điều khó chịu trong con mắt của ai đó, nhưng lại là một vùng đất đầy ân tình với tôi. Những con người tưởng chừng khó hòa nhập cộng đồng, lại chính là những con người sống hết mình cho sự tồn tại của một vùng quê mới. Những con người, những số phận mà tôi được gặp là những mảng tối sáng, thắp lên biết bao hy vọng.

… Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, đối với ai đó là sự lao động cực nhọc, gian khó, là kờ-tờ-mờ (KTM); nhưng với riêng tôi, đây là nơi mình được thử lửa, cọ xát, giãi bày và được làm những gì mình khao khát. Và chính nơi này, tôi đã có dịp gần gũi với biết bao con người mà mình vọng trọng, yêu quý”...

logo-dien-tu-moi-02.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Yêu Hà Nội từ cao nguyên xanh (kỳ cuối)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.