(HNMCT) - Có một câu chuyện thuộc lĩnh vực điện ảnh khiến dư luận xôn xao trong tuần qua, đó là việc nhà sản xuất phim “Võ sinh đại chiến” rút phim khỏi hệ thống rạp chiếu vì cho rằng mình bị nhà phát hành chèn ép.
Cụ thể, đại diện đoàn làm phim “Võ sinh đại chiến” cho biết: Từ khi ra rạp vào ngày 1-1 đến ngày 7-1, phim chỉ thu được 1,3 tỷ đồng, con số quá nhỏ so với kinh phí 22 tỷ đồng đã đầu tư. Theo đạo diễn Bá Cường, phim chỉ được bố trí 2 - 3 suất chiếu mỗi ngày, lại rơi vào các khung giờ ít người xem như 8h30, 12h30, 23h30... Sau khi nêu ý kiến với nhà phát hành phim Galaxy, ê kíp nhận được phản hồi: “Võ sinh đại chiến” là tác phẩm "mới cả về đạo diễn lẫn dàn diễn viên", đồng thời là dự án độc lập nên không được ưu tiên. Ngoài ra, suốt 3 ngày lễ, phim không thu hút được khán giả nên không thể nâng số suất chiếu cũng như không thể chuyển vào khung giờ đẹp. Mà ít suất chiếu, khung giờ bất lợi thì khán giả dù muốn xem cũng rất khó. Chính vòng luẩn quẩn này dẫn đến doanh thu thấp. Điều này buộc nhà sản xuất phải rút phim, chờ cơ hội phát hành tốt hơn.
Không chỉ ê kíp thực hiện “Võ sinh đại chiến” mới có cảm giác bị “chèn ép” khi ra rạp mà trước đó, nhiều nhà làm phim, thậm chí cả những nhà sản xuất tên tuổi cũng cảm thấy phim Việt thất thế ở hệ thống rạp chiếu trong nước. Thực tế, các cụm rạp đều phải chịu áp lực về doanh số nên họ không dám “đánh liều” khi đưa phim ít tên tuổi vào những khung giờ "vàng", nhất là ở thời điểm có sự xuất hiện của nhiều phim "bom tấn" nước ngoài hoặc các phim trong nước được kỳ vọng hơn. Điều đó càng đẩy phim của những nhà làm phim mới vào vòng luẩn quẩn, khó tiếp cận khán giả.
22 tỷ đồng làm phim là con số không hề nhỏ, nhưng “Võ sinh đại chiến” dường như “im thin thít” cho tới tận khi ra rạp và nhận về kết quả "đắng". Điều này cho thấy ê kíp làm phim đã không đánh giá đúng vai trò của việc quảng bá phim. Bên cạnh đó, việc để mình ở thế bị động, bị đẩy vào những suất chiếu ít khán giả cũng là lỗi của ê kíp khi chưa biết chọn thời điểm ra rạp thích hợp cũng như chưa thương thảo tốt với nhà phát hành. Bài học của họ cũng là bài học chung cho các nhà làm phim khác nếu muốn cạnh tranh và chiến thắng ở rạp chiếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.