(HNM) - Hai ngày qua, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo mở hội thảo toàn quốc về giáo dục đạo đức - giáo dục công dân cho học sinh phổ thông. Với mục tiêu "trồng người", khỏi phải nói là cuộc hội thảo ấy quan trọng nhường nào.
Từ hội thảo, lắng nghe ý kiến của người trong cuộc, thấy rõ việc dạy và việc học nội dung nói trên còn nhiều khiếm khuyết, khiến chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vướng mắc lớn nhất, như các chuyên gia đã chỉ ra là nội dung chương trình còn chưa hợp lý, nặng lý thuyết mà nhẹ thực hành, chưa gắn yêu cầu chung với việc làm cụ thể trong đời sống. Từ đó nhìn rộng ra, có thể đưa ra nhận định quan trọng nhất là việc dạy và học đạo đức hiện nay nặng tính "dạy chay", thiếu tính thực tế và điều đó khiến học sinh không có hứng thú học môn này, có học cũng dễ lâm cảnh "học vẹt", học đối phó. Mà học không tới nơi thì quá trình phấn đấu để làm công dân tốt sẽ ra sao?
Nói đâu xa, trong lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm cách tháo gỡ khó khăn… trên bàn hội nghị thì ở ngoài kia, cuộc sống đang cho thấy những điều mà với cách dạy cách học môn đạo đức hiện nay, ngay cả trẻ lớp lớn cũng khó có đủ năng lực để giải mã hiện tượng, vấn đề liên quan. Tuần qua, sau ít ngày "bà Tưng 9X" quậy tưng trên mạng, lại đã xuất hiện "bà Tưng 10X nhảy không nội y" bày tỏ quan điểm thích nổi tiếng bằng những việc làm khiến "con nhà lành" phải đỏ mặt. Vấn nạn "nhân bản kết quả xét nghiệm" - chuyện chắc chắn không có trong những bài giảng về đạo đức công dân. Hay vào chiều qua, 11-8-2013, tại xã Thạch Long - Thạch Thành - Thanh Hóa đã diễn ra lễ truy tặng Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước dành cho anh Trần Hữu Hiệp, người đã nhường áo phao - sự sống - cho đồng loại trong vụ chìm tàu ở Cần Giờ - một bài học làm người đích thực... Trẻ chọn theo ai, tránh xa những gì diễn ra trong thực tế? Ai dạy chúng cách chọn phương thức ứng xử đúng, dạy thế nào? Bản chất câu chuyện là gì?
Ngày càng rõ phương pháp giáo dục tối ưu là giúp trẻ tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, lý thuyết đi liền với thực hành, tăng cường đối thoại trong quá trình dạy và học. Bài học thực hành nằm ở cuộc sống quanh ta, soi vào đó để tìm định hướng nhận thức mới. Học "chay", thiếu ứng dụng thực tế thì tất có chuyện thuộc từ mà không hiểu nghĩa. "Bà Tưng" đấy, nhiều người phản đối mà cũng có ý kiến rằng đây là "vấn đề cá nhân, không nên làm to chuyện", vậy học sinh hiểu thế nào cho đúng? Hiểu thế nào qua bài học "nhân bản kết quả xét nghiệm" và nhường áo phao cho người khác? Có thầy - cô giáo đủ thời gian và nhiệt huyết để đưa vấn đề nói trên vào bài giảng của mình ngay khi vấn đề, sự kiện diễn ra, cho trẻ nói ra suy nghĩ của mình thay vì chỉ nói theo sách từ trên bục giảng? Đạo đức là gì? Trách nhiệm công dân là sao? Khái niệm dễ thuộc nhưng không hẳn là dễ hiểu ngọn ngành trong mối liên quan với thực tế cuộc sống, cung cách ứng xử phù hợp của bản thân trước hiện tượng tự nhiên - xã hội. Mà không hiểu hay hiểu không đầy đủ thì khó thể hiện chính kiến, dễ lâm cảnh phụ thuộc vào phản ứng của nhóm xã hội, cho dù phản ứng ấy rõ mười mươi là không đúng với lý thuyết đã được học.
Người ta cần có và chờ có đề án cải cách giáo dục, hy vọng ở phát kiến lớn lao. Lý thuyết đúng là vậy nhưng thực tế chỉ ra rằng có những vấn đề không cần chờ đợi nữa. Đó là cách truyền đạt kiến thức một chiều, nặng về lý thuyết, mà không tạo đủ cơ hội cho trẻ tham gia thảo luận. Chẳng phải thế hay sao?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.