(HNM) - Từ lâu, tổ trưởng dân phố vẫn được ví như “cánh tay nối dài” của chính quyền cơ sở, giao tiếp với người dân. Người ít thì vài năm, nhiều đến chục năm, “nghề” tổ trưởng tổ dân phố tuy vất vả, nhưng đáng tự hào.
Ông Nguyễn Bá Hoạch tích cực vận động người dân tham gia công tác của tổ dân phố. |
Mâu thuẫn gia đình, hàng xóm; mất vệ sinh môi trường; các cháu không có chỗ vui chơi; phòng dịch bệnh… "trăm dâu" đều đổ đầu tổ trưởng dân phố. Bất kể lúc đêm hôm hay trời mưa gió, hễ dân "thỉnh" là tổ trưởng dân phố có mặt giải quyết. Vất vả, phiền phức, thậm chí có lúc gặp hiểm nguy, song nhiều người vẫn nguyện "vác tù và hàng tổng", bởi hơn ai hết, họ thấu hiểu, những việc mình làm đang mang lại lợi ích cho dân.
Hiểu lòng dân
Chỉ cho chúng tôi xem sân chơi nhà tập thể B12-B13 Kim Liên, bà Đinh Thị Thu (68 tuổi, tổ trưởng Tổ dân phố số 8, phường Kim Liên, quận Đống Đa) mắt ngấn lệ khi nhớ về những ngày "đấu tranh" giành lại sân chơi cho các cháu nhỏ. Bà Thu kể, trước kia sân nhà tập thể B12-B13 bị chiếm dụng để kinh doanh, trong khi ở đây thiếu một địa điểm hội họp và thiếu nơi vui chơi cho các cháu nhỏ.
Hiểu được mong muốn của người dân, bà kiên trì vận động, kiến nghị với các cấp, ngành, bất chấp lời đe dọa từ những cá nhân bị động chạm lợi ích, để giành lại chức năng sinh hoạt cộng đồng của sân nhà tập thể. Tuy nhiên, nếu giữ nguyên hiện trạng thì nguy cơ bị tái lấn chiếm rất có thể xảy ra. Vì vậy, bà tổ trưởng dân phố cất công đi vận động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp được gần 170 triệu đồng để lắp đặt các thiết bị sân chơi, tạo nơi sinh hoạt khang trang cho người cao tuổi, thanh, thiếu nhi.
“Ngót nghét 10 năm làm tổ trưởng tổ dân phố, tôi tâm niệm, bản thân mình phải luôn tìm hiểu để biết người dân muốn gì, từ đó trau dồi kiến thức pháp luật để tuyên truyền và hướng dẫn người dân bảo đảm được quyền lợi chính đáng của mình” - bà Thu bộc bạch. Với đóng góp của mình, bà Đinh Thị Thu đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen, song với bà, niềm vui lớn hơn cả là người dân trong tổ dân phố đã có nơi vui chơi.
Từng công tác ở tổ dân phố nhiều năm, ông Nguyễn Bá Hoạch (61 tuổi, tổ trưởng Tổ dân phố số 19, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) trải qua nhiều chuyện “dở khóc, dở cười”. Ông kể cho chúng tôi câu chuyện về vụ “điều tra” người vứt rác bừa bãi trong một con ngõ nhỏ. Dù đã tuyên truyền, nhắc nhở từng hộ dân, song ngày nào cũng xuất hiện một túi rác bỏ không đúng nơi quy định. Sau quá trình dày công tìm hiểu, ông đã tìm ra "tác giả" của hành động không đẹp này và gặp gỡ, nhắc nhở. Từ đó về sau, con ngõ nhỏ trở nên sạch sẽ, không còn rác thải bừa bãi.
Còn với chị Ngô Thị Thanh Huyền (43 tuổi, có thâm niên 4 năm làm tổ trưởng Tổ dân phố số 2, phường Văn Quán, quận Hà Đông), dù rất chú trọng tuyên truyền, nhưng đôi khi vẫn gặp phải “ca khó”. Ví như việc vận động nhân dân thực hiện tang văn minh, người trẻ rất ủng hộ chủ trương hỏa táng, song các cụ cao niên thì “dứt khoát phải địa táng, chứ hỏa táng nóng lắm…”. Để người cao tuổi thay đổi cách nghĩ, tổ trưởng dân phố phải dùng đủ “chiêu” từ giải thích, phân tích đến chứng minh bằng nghiên cứu khoa học… Chị Huyền cho biết, năm 2016 vừa qua là “đỉnh điểm”, trên địa bàn tổ dân phố có gần 20 đám tang. Qua công tác vận động, ý thức của người dân được nâng cao, hầu hết các gia đình đồng ý tổ chức hỏa táng, bảo đảm vệ sinh môi trường.
“Cầu nối” hiệu quả
Chúng tôi đến phường Phú Lương (quận Hà Đông) gặp tổ trưởng Tổ dân phố số 2 Tưởng Phi Thăng (32 tuổi) trong lúc anh đang cùng cán bộ y tế đến từng nhà dân triển khai diệt bọ gậy, phòng bệnh sốt xuất huyết. Đi đến đâu, người dân cũng đón tiếp anh thân tình. Nghe người dân phản ánh về một số ao tù là nơi trú ngụ của bọ gậy, muỗi vằn gây sốt xuất huyết, anh Thăng khẩn trương báo cáo lãnh đạo phường Phú Lương và được chỉ đạo xử lý ngay.
Anh Thăng cho biết, những ý kiến phản ánh của người dân về những vấn đề còn tồn tại trên địa bàn đều được anh báo cáo kịp thời lãnh đạo phường nhằm tìm giải pháp xử lý. Ngược lại, khi có ý kiến chỉ đạo của cấp trên, anh cũng chủ động phổ biến cho người dân để thống nhất thực hiện. Nhờ đó, các chủ trương, kế hoạch của phường đến tổ dân phố khá thuận lợi và nhanh chóng được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực.
Đánh giá cao vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, ông Dương Ngọc Thỏa, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương khẳng định, đây là cầu nối, thay mặt chính quyền phường triển khai những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước tới khu dân cư như thu thuế đất phi nông nghiệp, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… Đối với những vướng mắc nhỏ tại địa bàn dân cư, tổ trưởng dân phố là người nắm bắt được tình hình và giải quyết thông qua các hội nghị tổ dân phố, hạn chế được đơn, thư khiếu nại vượt cấp. Muốn mọi việc “chạy”, tổ trưởng dân phố phải hiểu lòng dân để cân đối hài hòa lợi ích.
Từ thực tiễn ở địa phương, bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đánh giá, tổ trưởng dân phố có những đóng góp rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chỉ riêng việc lập lại trật tự văn minh đô thị, từ sự vào cuộc chủ động và tích cực của các tổ trưởng dân phố, quận Thanh Xuân đã thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 01 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, bảo đảm đường thông, hè thoáng.
Khi những tâm tư, nguyện vọng, cũng như ý kiến đóng góp của nhân dân được những “cầu nối” phản ánh trực tiếp đến UBND phường, thông qua đó, khoảng cách giữa chính quyền với nhân dân được gần hơn; cán bộ phường sát dân, hiểu dân nên đã có những biện pháp chỉ đạo cụ thể, kịp thời và hiệu quả.
“Bên cạnh hiệu quả hữu hình, còn có hiệu quả vô hình không đo đếm được, đó là sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, là niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở… nhờ sự đóng góp lặng thầm mỗi ngày của những người "vác tù và hàng tổng" - bà Lê Mai Trang nhận định.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.